THUYẾT CHỨC NĂNG-CẤU TRÚC (STRUCTURAL FUNCTIONALISM)

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 1 (Trang 44 - 47)

FUNCTIONALISM)

Cùng với thuyết chức năng, thì thuyết chức năng cấu trúc là một trong hai lý thuyết có ảnh hưởng lớn nhất trong Nhân học Anh và thế giới nói chung trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Thuyết chức năng cấu trúc gắn liền với tên tuổi nhà nhân học người Anh, Alfred Reginald Radcliffe-Brown (1881 - 1955).

Thuyết chức năng cấu trúc cho rằng chức năng của một thành tố văn hóa, chẳng hạn như một phong tục tập quán, không phải là để đáp ứng các nhu cầu hay sở thích của một cá nhân như quan điểm của Malinowski, mà là để đáp ứng nhu cầu duy trì sự ổn định và cố kết của một xã hội nói chung. Theo thuyết này, xã hội hoạt động giống như một cơ thể sống. Mỗi xã hội bao gồm nhiều bộ phận hợp thành, bao gồm kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo. Các bộ phận này kết hợp chặt chẽ với nhau theo một trật tự nhất định, gọi là cấu trúc xã hội. Trong cấu trúc xã hội đó, mỗi bộ phận đảm nhiệm một chức năng cụ thể. Điều quan trọng là để xã hội tồn tại ổn định và không bị tan rã, thì chức năng của từng bộ phận riêng lẻ là phải tương thích và hòa hợp với các phần còn lại nằm trong tổng thể ấy, hay nói cách khác là phải ăn khớp với toàn bộ cấu trúc xã hội. Đó là lý do tại sao lý thuyết của Radcliffe-Brown lại được gọi là chức năng - cấu trúc.

Như vậy, nếu Malinowski cho rằng văn hóa khác nhau là do nhu cầu của con người ở mỗi nơi mỗi khác, thì Radcliffe-Brown cho rằng văn hóa khác nhau là do cấu trúc của mỗi xã hội khác nhau. Vì chức năng của một thành tố, hay một tập quán văn hóa là duy trì sự ổn định của cấu trúc xã hội và tương thích với các thành phần khác trong cấu trúc ấy, nên cấu trúc xã hội khác nhau thì đặc điểm của từng thành tố văn hóa cụ thể cũng khác nhau. Khác với Malinowski, Radcliffe-Brown cho rằng nhu cầu của cá nhân của con người không có vai trò gì trong việc hình thành văn hóa. Thay vào đó,

văn hóa cũng như con người đều phải chịu sự chi phối của cấu trúc xã hội. Do vậy, có rất nhiều phong tục tập quán hay quy tắc văn hóa mà cá nhân không thích, nhưng vẫn phải làm theo, chẳng hạn như đến ngã tư phải dừng lại khi đèn đỏ. Đây là do cấu trúc xã hội quy định. Nếu cá nhân không tuân thủ những nguyên tắc văn hóa như thế này, xã hội sẽ trở nên bất ổn, hỗn loạn và cuối cùng là tan vỡ.

Ví dụ

Tại sao học sinh Việt Nam khi ở trên lớp thường có xu hướng thụ động, ít khi dám bày tỏ ý kiến mà chủ yếu là lắng nghe, tiếp nhận kiến thức của thầy cô, trong khi học sinh ở các nước Âu - Mỹ nhìn chung là chủ động và mạnh dạn bày tỏ chính kiến hơn?

Theo cách giải thích của thuyết chức năng - cấu trúc, thì học sinh Việt Nam ứng xử như vậy không phải là do họ thích hay họ muốn, mà là do đặc thù của cấu trúc xã hội Việt Nam quy định. Để duy trì sự ổn định và trật tự của xã hội, họ phải chấp nhận lối học tập thiên về tiếp nhận, lắng nghe, bởi vì chỉ có hình thức học tập này mới tương thích với các thành phần khác trong cấu trúc xã hội Việt Nam.

Về kinh tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh, ở Việt Nam hiện nay vẫn ưu tiên sử dụng những người lao động có khả năng làm việc theo kế hoạch được giao, trọng tính kỷ luật, tuân thủ trật tự và quy định hơn là tự do làm theo ý mình và phá bỏ trật tự.

Về đời sống tinh thần, tín ngưỡng, thì người Việt hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư duy Nho giáo và đạo lý thờ cúng tổ tiên, nhấn mạnh vào việc tôn trọng thứ bậc, tôn ti trật tự, uống nước nhớ nguồn, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và truyền thống, làm theo những điều cha ông dạy bảo và truyền lại hơn là làm theo những nhu cầu của bản thân mình.

Về mặt tổ chức xã hội, thì đa số người Việt hiện nay vẫn đang sống theo cộng đồng. Mỗi cá nhân không phải là một cá thể đơn lẻ, mà là một phần trong một gia đình, một xóm, một làng, một cơ quan. Để duy trì được sự đoàn kết và thống nhất của các cộng đồng đó, người Việt thường có xu

hướng giảm nhẹ cái tôi, hạn chế việc bày tỏ hay theo đuổi các mục đích và quan điểm cá nhân. Đa số có xu hướng “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, thường là chấp nhận, làm theo những quy tắc chung của cả cộng đồng, tôn trọng hệ thống tôn ti, thứ bậc trong cộng đồng đó, hơn là bày tỏ quan điểm riêng, cách nghĩ riêng của mình.

Theo cách giải thích của thuyết chức năng cấu trúc, học sinh Việt Nam buộc phải chấp nhận hình thức học tập nặng về lắng nghe, truyền thụ, ít bày tỏ chính kiến, là để phù hợp và tương thích với các đặc điểm về kinh tế, tín ngưỡng và tổ chức xã hội của Việt Nam. Nếu các cá nhân được dạy theo hướng tự do, độc lập, thì sẽ kéo theo hệ quả là cấu trúc xã hội hiện tại của Việt Nam sẽ không thể duy trì được và tan vỡ: các doanh nghiệp sẽ không điều hành được nhân viên và tình trạng sẽ là “trên bảo dưới không nghe”, đạo lý Nho giáo cũng sẽ mất dần ảnh hưởng, và lối sống cộng đồng, đoàn kết của người Việt cũng sẽ sớm biến mất.

Tuy nhiên, lối học tập theo kiểu chủ động, tự do bày tỏ chính kiến cá nhân lại rất phù hợp với cấu trúc xã hội kiểu Âu - Mỹ. Hiện nay đa phần các xã hội Âu - Mỹ đang theo mô hình kinh tế thị trường kiểu tư bản, nên các doanh nghiệp đòi hỏi các cá nhân phải có sự năng động, sáng tạo, liên tục đổi mới thay vì chỉ làm theo yêu cầu của cấp trên. Đặc điểm tổ chức của xã hội phương Tây cũng là nhấn mạnh đời sống cá nhân hơn là sự gắn kết cộng đồng, nên cá nhân có xu hướng thể hiện cái tôi và cá tính mạnh hơn so với các xã hội châu Á.

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 1 (Trang 44 - 47)