THUYẾT CHỨC NĂNG (FUNCTIONALISM)

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 1 (Trang 41 - 44)

Thuyết chức năng được đề xướng bởi nhà nhân học người Anh, Bronislaw Malinowski (1884 - 1942). Theo ông, văn hóa được sinh ra là để là đáp ứng các nhu cầu của con người và các cá nhân riêng lẻ. Đó là chức năng của văn hóa. Văn hóa khác nhau là do nhu cầu của con người ở mỗi nơi khác nhau. Đó là lý do mà cách tiếp cận của ông được đặt tên là trường phái Chức năng.

Malinowski nghiên cứu những người thổ dân Trobriand ở Nam Thái Bình Dương và nhận thấy một hình thức trao đổi quà tặng rất kỳ lạ gọi là Kula. Hàng năm, các cư dân thuộc 18 quần đảo, với số lượng hàng ngàn người, tiến hành những chuyến đi biển bằng những con thuyền nhỏ, trên hành trình hàng trăm hải lý, để tặng cho nhau các đồ vật như vòng cổ bằng vỏ sò màu đỏ, hoặc các vòng tay bằng vỏ sò màu trắng. Khi một thủ lĩnh của một cộng đồng nhận được một chiếc vòng, ông ta sẽ giữ nó trong một thời gian rồi sẽ lại mang nó đi tặng cho một thủ lĩnh khác. Quá trình này tạo ra một vòng tuần hoàn liên tục. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là tất cả các vật được trao đổi trong hệ thống Kula đều không có giá trị sử dụng, cũng như không có giá trị kinh tế, bởi lẽ các vật phẩm trên hoàn toàn không được phép mang ra mua bán, mà chỉ dùng để làm quà tặng mà thôi.

Câu hỏi mà Malinowski đặt ra là tại sao những cư dân ở đây lại mạo hiểm mạng sống của mình, trên những chuyến đi đầy gian nan và nguy hiểm trên biển, chỉ để cho đi những vật phẩm hoàn toàn không có giá trị gì về kinh tế?

Vào thời điểm Malinowski nghiên cứu, các lý thuyết tiến hóa và khuyếch tán đang thịnh hành. Theo quan điểm của các lý thuyết đó, người Trobriand cũng như các cư dân ở vùng đảo Thái Bình Dương là những người lạc hậu, ngu dốt. Do họ chậm phát triển, hoặc chưa có điều kiện tiếp xúc với văn minh phương Tây, nên họ không hiểu được thế nào là lợi nhuận, là tính toán kinh tế, không hiểu được thế nào là giá trị. Do đó, họ lãng phí rất

nhiều thời gian, công sức vào những hành động vô nghĩa, không có giá trị về kinh tế và không tạo ra của cải vật chất.

Tuy nhiên, Malinowski nghĩ khác. Ông cho rằng không thể nói người Trobriand lạc hậu hơn người Phương Tây. Thay vào đó, ông cho rằng lý do họ hành xử khác với người phương Tây là do họ có những nhu cầu riêng và khác biệt. Trong khi nhu cầu của con người trong các xã hội tư bản của phương Tây khi đó là làm giàu, tạo ra của cải vật chất, thì những người Trobriand lại có nhu cầu hoàn toàn khác: đó là làm thế nào để nâng cao danh tiếng và tăng cường các quan hệ xã hội với cộng đồng xung quanh. Trong khi việc trao đổi Kula không có nhiều giá trị kinh tế, thì nó lại đáp ứng rất tốt nhu cầu nâng cao danh tiếng của các thủ lĩnh người Trobriand. Trong xã hội Trobriand, thủ lĩnh nào càng có nhiều vật phẩm, thì ảnh hưởng và danh tiếng của vị thủ lĩnh đó cũng như của cộng đồng của ông ta càng lớn. Lý do là vì chỉ có những thủ lĩnh và những cộng đồng có danh tiếng lớn thì mới được nhiều thủ lĩnh khác đến thăm và tặng quà. Đồng thời, một vị thủ lĩnh sở hữu càng nhiều vật phẩm thì số lượng các thủ lĩnh mà ông ta có thể tặng quà và kết giao sẽ càng tăng.

Nhu cầu thứ hai của người Trobriand là tăng cường và thắt chặt quan hệ với nhau. Qua việc tặng quà và nhận quà, mục đích chủ yếu của các thủ lĩnh cũng như các cộng đồng Trobriand là muốn thiết lập mối quan hệ bền chặt với các thủ lĩnh và cộng đồng khác. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ nhận được sự bảo vệ và tương trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn. Với người Trobriand, các mối quan hệ và sự tương trợ đó mới là những nhu cầu chính của họ, chứ không phải tiền bạc hay những lợi ích kinh tế thông thường.

Ví dụ

Tại sao học sinh Việt Nam khi ở trên lớp thường có xu hướng thụ động, ít khi dám bày tỏ ý kiến mà chủ yếu là lắng nghe, tiếp nhận kiến thức của thầy cô, trong khi học sinh ở các nước Âu - Mỹ nhìn chung là chủ động và mạnh dạn bày tỏ chính kiến hơn?

Theo cách giải thích của trường phái chức năng, sự khác biệt này không nói lên rằng học sinh Việt Nam đang chậm phát triển và mô hình giáo dục Việt Nam đang tụt hậu so với các nước Âu Mỹ. Thay vào đó, học sinh Việt Nam và học sinh Âu - Mỹ có nhu cầu rất khác nhau.

Với học sinh Việt Nam, nhu cầu của họ là được tiếp nhận, lĩnh hội càng nhiều kiến thức càng tốt, được học hỏi từ những người có trình độ cao, uyên bác, được những người đó dìu dắt và chỉ ra cho con đường đúng đắn để tiến tới tri thức.

Trong khi đó, với học sinh Âu - Mỹ, nhu cầu của họ là được bày tỏ cái tôi, được tự do thể hiện quan điểm, được thoải mái khám phá tri thức và tự vạch ra con đường cho riêng mình, chứ không cần được dạy dỗ theo kiểu cầm tay chỉ việc.

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 1 (Trang 41 - 44)