THUYẾT DIỄN GIẢI (INTERPRETIVISM)

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 1 (Trang 56 - 59)

Thuyết diễn giải có nhiều đại diện, nhưng nổi tiếng hơn cả là nhà nhân học người Mỹ Clifford Geertz (1926 - 2006).

Theo Geertz, văn hóa khác nhau không phải chỉ là sự khác nhau về biểu hiện bên ngoài của cùng một cách tư duy như quan điểm của Lévi-Strauss. Theo ông, sự khác nhau của văn hóa phản ánh sự khác nhau trong cách thức tư duy của con người.

Tuy nhiên, Geertz không cho rằng sự khác nhau trong tư duy của con người là kết quả của quá trình con người thích nghi với điều kiện lịch sử như Boas. Boas cho rằng các điều kiện của môi trường sống hình thành nên văn hóa, và đến lượt mình, văn hóa quyết định cách thức con người tư duy. Geertz thì ngược lại. Ông cho rằng tư duy của con người quyết định văn hóa. Con người sống trong môi trường, nhưng họ không để môi trường quyết định cách nghĩ của họ. Mà ngược lại, họ tìm hiểu, phân tích, nhìn nhận môi trường xung quanh theo cách riêng của mình, và dùng văn hóa, mà đặc biệt là các biểu tượng, để thể hiện cách họ suy nghĩ và nhìn nhận thế giới xung quanh đó.

Như vậy trong khi Boas không đề cao vai trò của con người và cho rằng con người đơn giản là thích nghi với môi trường nơi họ sống, thì Geertz lại đề cao vai trò của con người trong việc nhìn nhận môi trường sống đó. Nếu theo quan điểm của Boas, môi trường nào thì văn hóa ấy. Nhưng theo quan điểm của Geertz, hai cộng đồng người sống trong cùng một môi trường có thể có văn hóa rất khác nhau, phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận môi trường đó. Do đó, theo Geertz, văn hóa khác nhau không phải do sự khác nhau về quá khứ lịch sử, về môi trường sống, mà là do sự khác nhau trong cách thức tư duy của con người và cách họ nhận thức lịch sử và môi trường đó.

Ví dụ: việc thuần hóa và nuôi dưỡng chó là một tập quán văn hóa phổ biến của con người ở khắp nơi trên thế giới. Nếu nói theo quan điểm của Boas,

việc thuần hóa chó là kết quả của sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Họ cần chó để bảo vệ gia súc, giữ nhà, để bầu bạn. Theo cách giải thích của Boas, tất cả những người nuôi chó đều có cách nhìn nhận hay tư duy về chó giống như nhau.

Tuy nhiên, theo cách giải thích của Boas, sẽ rất khó lý giải tại sao người Việt Nam hay Hàn Quốc rất thích ăn thịt chó và coi đó là một việc bình thường, còn với người Âu - Mỹ lại là một việc kỳ lạ và thậm chí là đáng sợ. Theo cách giải thích của Geertz, con người ở khắp nơi trên thế giới đều nuôi chó. Nhưng quan niệm của họ về chó lại rất khác nhau. Trong tư duy của người Âu - Mỹ, con chó là bạn, là một thành viên trong gia đình, và do đó việc ăn thịt chó giống như ăn thịt chính đồng loại. Tuy nhiên, người Việt Nam chỉ coi chó như một vật nuôi, và vì thế việc ăn thịt chó là bình thường. Như vậy, có thể người Việt Nam và người Âu - Mỹ đều đối diện với những điều kiện về môi trường và lịch sử giống nhau để rồi kết quả là họ thuần dưỡng và nuôi chó cho việc giữ nhà, bầu bạn. Nhưng do quan niệm, cách tư duy của người Việt Nam và người Âu - Mỹ về chó rất khác nhau, nên văn hóa ứng xử với con chó cũng khác nhau. Do đó, biểu tượng con chó và hành vi ăn thịt chó ở Việt Nam được hiểu rất khác với biểu tượng chó và hành vi ăn thịt chó trong văn hóa Mỹ.

Ví dụ

Tại sao học sinh Việt Nam khi ở trên lớp thường có xu hướng thụ động, ít khi dám bày tỏ ý kiến mà chủ yếu là lắng nghe, tiếp nhận kiến thức của thầy cô, trong khi học sinh ở các nước Âu - Mỹ nhìn chung là chủ động và mạnh dạn bày tỏ chính kiến hơn?

Nếu giải thích theo cách của Geertz, hai hành vi đó không phải là hai biểu hiện khác nhau của cùng một tư duy là tôn trọng thầy giáo như quan điểm của Lévi-Strauss, mà chúng cho thấy rằng cách nghĩ của học sinh Việt Nam và học sinh Mỹ rất khác nhau.

Tuy nhiên, khác với Boas, Geertz cho rằng sự khác nhau đó không nhất thiết là do sự khác nhau trong môi trường học tập giữa học sinh Việt Nam và học sinh Mỹ, có thể ban đầu cả hai học sinh Việt Nam và Mỹ đều được

tiếp xúc với mô hình học tập theo kiểu “thầy bảo, trò nghe”. Tuy nhiên, sự khác biệt bắt nguồn từ sự khác nhau trong cách tư duy giữa học sinh Việt Nam và Mỹ. Trong khi học sinh Việt Nam cho rằng lối học tập theo kiểu chăm chú lắng nghe và tiếp nhận tri thức đó là một hình thức học tốt, phù hợp, là biểu tượng của sự tôn trọng, kính trọng tri thức, tôn trọng trật tự, thì học sinh Mỹ cho rằng đó là một hình thức học tập thụ động, trì trệ. Đó là nguyên nhân khiến học sinh Việt Nam chấp nhận lối học đó, còn học sinh Mỹ thì không.

Một phần của tài liệu Nhân học về sự khác biệt văn hóa: Phần 1 (Trang 56 - 59)