Alfred Bloch: bạn thời đi học của người kể chuyện. Trí tuệ, thuộc tầng lớp tư sản, gốc Do Thái, ngoại hình của anh ta sánh với Sultan Mahomet II trong bức chân dung Bellini[34] vẽ.
Vấn đề: hay nói hớ và tự làm bẽ mặt mình trong những dịp quan trọng.
Cách phản ứng với vấn đề: Bloch hành động tự tin một cách thái quá, người thường ở trong hoàn cảnh tương tự ắt hẳn sẽ xin thứ lỗi với thái độ khiêm nhường, còn anh ta thì không hề tỏ ra xấu hổ hay ngượng ngùng.
Gia đình người kể chuyện mời Bloch đến ăn tối, anh ta đến trễ một tiếng rưỡi, từ đầu đến chân lấm đầy bùn đất do một cơn mưa rào bất chợt. Lẽ ra phải cáo lỗi vì tới trễ và bộ dạng lem luốc, Bloch lại làm hẳn một bài diễn thuyết bày tỏ nỗi khinh thị với những quy ước về chuyện đến nơi hẹn tươm tất và đúng giờ:
“Tôi không bao giờ cho phép mình chịu ảnh hưởng, dù là nhỏ nhất, bởi những nhiễu loạn của khí quyển hay bởi những sự phân chia tùy tiện của thứ gọi là thời gian. Tôi sẽ sẵn lòng giới thiệu lại ích dụng của tẩu hút thuốc phiện hay dao găm của người Mã Lai, nhưng tôi không biết gì về những vật dụng mang tác hại vô biên và, hơn nữa, lại đặc tư sản là chiếc ô và cái đồng hồ.”
Không phải là Bloch không muốn làm người khác hài lòng. Chỉ là anh ta không thể chịu được một tình huống anh ta đã vừa cố làm hài lòng, vừa vẫn thất bại trong việc đó. Thế nên sẽ dễ dàng hơn biết bao nhiêu nếu làm phật ý ai đó nhưng ít nhất vẫn nắm quyền kiểm soát hành động của mình. Nếu đã không thể đến bữa tối đúng
giờ mà còn bị mưa xối, thì tội gì mà không biến sự miệt thị thời gian và thời tiết thành những thành công của bản thân, tuyên bố rằng anh ta đã làm chủ được chính những chuyện từ đâu đổ xuống đầu mình như vậy?
Giải pháp tốt hơn: một cái đồng hồ, chiếc ô và lời xin lỗi.