BỆNH NHÂN THỨ NĂM

Một phần của tài liệu Proust có thể thay đổi cuộc đời của bạn như thế nào: Phần 1 (Trang 88 - 94)

Charles Swann: người được mời đến ăn trưa cùng Tổng thống, bạn của Hoàng tử xứ Wales và khách mời thường xuyên của các salon sang trọng hạng nhất. Ông đẹp trai, giàu có, hóm hỉnh, hơi ngây thơ và đang yêu say đắm.

Vấn đề: Swann nhận được một lá thư nặc danh nói rằng người ông yêu, Odette, trong quá khứ là tình nhân của vô số đàn ông, và thường xuất hiện ở nhà thổ. Một Swann quẫn trí băn khoăn không biết ai lại có thể gửi cho ông một lá thư với những tiết lộ gây tổn thương như vậy, và hơn nữa còn lưu ý rằng nó chứa đựng các chi tiết mà chỉ có một người quen của ông mới biết.

Cách phản ứng với vấn đề: trong lúc tìm thủ phạm, Swann lần lượt xem xét các bạn mình, ông de Charlus, ông des Laumes, ông d’Orsan, nhưng không thể tin rằng bất kỳ ai trong số họ đã gửi lá thư đó. Thế rồi, không thể tìm ra ai để nghi ngờ nữa, Swann bắt đầu suy nghĩ có óc phản biện hơn, và kết luận rằng thật ra bất kỳ ai ông biết đều có thể viết lá thư đó. Ông phải nghĩ thế nào? Ông nên đánh giá các bạn mình ra sao? Lá thư độc ác ấy mời gọi Swann theo đuổi sự hiểu biết sâu sắc hơn về con người:

Lá thư nặc danh ấy chứng tỏ Swann biết một người nào đó có khả năng làm một chuyện bỉ ổi bậc nhất, nhưng ông không thể tìm ra thêm lý do tại sao điều bỉ ổi đó có thể lẩn vào những tầng sâu chưa được phát hiện trong tính cách của một người mang trái tim ấm áp chứ không phải lạnh lẽo, là một nghệ sĩ chứ không phải một gã tư sản, là một quý tộc chứ không phải kẻ học làm sang. Người ta phải dùng tiêu chuẩn nào để đánh giá con người? Sau hết, không một cá nhân nào ông biết, trong những tình huống nhất định, là không thể chứng tỏ khả năng phạm phải hành

động đáng hổ thẹn. Liệu ông có phải ngưng gặp mặt tất cả bọn họ không? Đầu óc ông trở nên mờ mịt; ông lấy tay xoa trán hai hay ba lần, lấy khăn tay lau mắt kính... Và ông tiếp tục bắt tay tất cả những người bạn ông đã từng nghi ngờ, với sự dè dặt thuần túy hình thức rằng ai trong số họ cũng đều có thể đã từng có ý định đẩy ông tới chỗ tuyệt vọng.

Giải pháp tốt hơn: lá thư làm cho Swann đau khổ, nhưng nỗi đau khổ đó không mang đến hiểu biết lớn lao hơn. Ông hẳn đã phải vứt bỏ lớp ngây thơ đa sầu đa cảm, khi mà giờ đây ông đã biết rằng hành vi bề ngoài của bạn bè mình có thể không tương ứng với tâm địa đen tối của họ, nhưng ông không tìm ra cách để nhận dạng các dấu hiệu hay thật ra là nguồn gốc của tâm địa đó. Tâm trí ông trở nên mờ mịt, ông phải lau mắt kính, và ông đã để lỡ cái điều mà theo Proust là thứ đáng nói nhất, về sự phản bội và lòng ghen tuông - khả năng tạo ra động lực tri thức cần thiết để tìm ra những khía cạnh ẩn giấu trong tính cách của người khác.

Mặc dù chúng ta đôi khi nghi ngờ người khác đang giấu giếm điều gì đó với ta, nhưng phải đến khi yêu ta mới cảm thấy nỗi cấp bách phải đẩy nhanh các truy vấn của ta, và trong khi tìm kiếm câu trả lời, rất có thể ta sẽ phát hiện ra mức độ người ta ngụy trang và che giấu cuộc đời thật của họ.

Một trong những sức mạnh của lòng ghen tuông là để phát lộ cho ta thấy mức độ chân thực chưa được xác định của các sự việc bề ngoài và những cảm xúc trong lòng, một yếu tố gợi lên vô số giả định. Ta tưởng là ta biết đích xác

bản chất của mọi chuyện, biết đích xác người ta nghĩ gì, bởi lý do đơn giản là ta không quan tâm đến họ. Nhưng ngay khi ta có một khao khát muốn biết, theo cách của một người đang ghen, thì nó trở thành một chiếc kính vạn hoa mà ta không còn phân biệt được bất cứ điều gì nữa.

Swann có thể biết một chân lý phổ quát rằng cuộc đời đầy những sự đối nghịch, nhưng với trường hợp của từng người ông biết, ông tin rằng những phần mà ông không biết trong cuộc đời ai đó sẽ phải đồng nhất với những phần mà ông biết. Ông hiểu cái bị che giấu với ông qua những điều được tiết lộ, và vì thế ông chẳng hiểu gì về Odette cả, bởi thật khó mà chấp nhận rằng một phụ nữ có vẻ đáng kính khi ở với ông lại có thể chính là người có thời thường đến nhà thổ. Tương tự, ông cũng không hiểu gì về bạn bè của mình, bởi khó mà chấp nhận rằng người từng cùng ông trò chuyện thân tình trong bữa trưa đến bữa tối đã có thể gửi một lá thư cay độc chứa đầy những tiết lộ thô bỉ về quá khứ người tình của ông.

Bài học ư? Hãy đáp lại hành vi không ngờ đến và cay độc của người khác bằng điều gì đó không chỉ là động tác lau kính, hãy xem đó như một cơ hội mở rộng hiểu biết của ta, dù cho, như Proust cảnh báo, “khi ta phát hiện cuộc đời thực của những người khác, thế giới thực bên dưới thế giới được phô bày, ta bắt gặp nhiều điều đáng ngạc nhiên giống như khi tham quan một ngôi nhà có vẻ ngoài đơn giản nhưng ẩn chứa bên trong là những báu vật, những phòng tra tấn hay các bộ xương.”

***

So sánh với những bệnh nhân không may này, cách tiếp cận của Proust với nỗi đau khổ của chính ông giờ đây có vẻ đáng ngưỡng mộ hơn.

Mặc dù bệnh hen có thể đe dọa tính mạng khi ông ở vùng thôn quê, mặc dù ông sẽ tím tái khi chỉ cần thấy một bông tử đinh hương nở, ông vẫn không học theo cách của bà Verdurin: ông không giận dỗi tuyên bố hoa là thứ tẻ nhạt hay nói vống lên về ích lợi của việc ru rú trong căn phòng đóng kín cửa suốt cả năm trời.

Tuy kiến thức của ông cũng có những chỗ hổng đáng kể, nhưng ông vẫn có khả năng bồi lấp những thiếu sót đó. “Ai viết Anh em nhà Karamazov vậy?” ông hỏi Lucien Daudet [ở tuổi hai bảy]. “Cuốn Cuộc đời Johnson [nguyên văn] của Boswelle [nguyên văn]

[37] đã được dịch chưa? Và cuốn nào của Dickens là hay nhất (tôi chưa đọc cuốn nào hết)?”

Cũng không có bằng chứng cho thấy ông trút những nỗi thất vọng của mình vào gia nhân. Vốn có tài biến nỗi đau khổ thành ý tưởng, dù tình trạng đời sống tình cảm của ông khá bi đát, khi người tài xế ông thường mướn, Odilon Albaret, cưới một phụ nữ về sau trở thành người phục vụ của ông, Proust vẫn có thể gửi một bức điện chúc mừng cặp đôi trong ngày đặc biệt của họ, với chỉ một chút cảm giác thương thân thoáng qua và nỗ lực khiến cho cặp đôi kia cảm thấy có lỗi ở mức độ thấp nhất, phần nội dung đó được in đậm nghiêng như dưới đây:

bởi tôi bị mắc cúm và tôi đang mệt, nhưng tôi gửi lời chúc sâu sắc nhất cho hạnh phúc của hai bạn và gia đình đôi bên.

Bài học đạo đức ư? Hãy nhận ra rằng cơ hội tốt nhất để ta đạt tới sự mãn nguyện nằm ở chỗ ta biết nắm lấy thứ minh triết dành tặng cho ta dưới những hình thức được mã hóa thành những cơn ho, những cơn dị ứng, những câu nói hớ trong những dịp giao tế, hay sự phản bội trong tình cảm, và tránh mắc phải sự bạc bẽo của những người trút nỗi oán trách lên món đậu, đổ lỗi cho sự buồn tẻ, thời gian và thời tiết.

Một phần của tài liệu Proust có thể thay đổi cuộc đời của bạn như thế nào: Phần 1 (Trang 88 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)