Hiện nay các hoạt động tín dụng chủ yếu giữa Ngân hàng và các khách hàng doanh nghiệp bao gồm những hoạt động như sau:
- Hoạt động cho vay:
Ngân hàng thương mại với tư cách là đơn vị cho vay, bơm vốn nhàn rỗi cho doanh nghiệp hoạt động, đáp ứng nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, ngân hàng thương mại thực hiện chức năng phân phối lại vốn, tiền tệ trong xã hội. Đây là hình thức tín dụng phổ biến nhất, và là hình thức tín dụng có tỷ trọng cao nhất trong tất cả các hình thức tín dụng của ngân hàng thương mại.
Về phía khách hàng, để được vay vốn của ngân hàng, bản thân khách hàng doanh nghiệp phải cam kết hoàn trả cả gốc và lãi khi đến hạn thanh toán của ngân hàng. Thời gian vay vốn dài hay ngắn phụ thuộc vào hợp đồng tín
dụng giữa hai bên. Nếu đến hạn mà khách hàng không thực hiện đúng cam kết thì sẽ bị tính lãi phạt, lâu dần sẽ bị chuyển sang nợ quá hạn, điều này ảnh hưởng uy tín một cách nghiêm trọng của khách hàng, và ảnh hưởng đến việc vay vốn lần tiếp theo của khách hàng khi có nhu cầu vay vốn.
Bên cạnh đó, khách hàng phải sử dụng khoản vay theo đúng mục địch sử dụng vốn đã thỏa thuận và ký kết trong hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Điều này rất quan trọng vì nếu khách hàng sử dụng vốn sai mục đích sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Thực tế có rất nhiều khách hàng để có thể vay vốn đã kê khai mục đích sử dụng vốn không đúng, ví dụ vay để tài trợ dự án nhưng trong hợp đồng lại kê khai là vay để đầu tư tài sản cố định, nếu dự án mà doanh nghiệp đầu tư không đem lại lợi nhuận, thua lỗ thì doanh nghiệp rất khó có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Do vậy, sự trung thực là rất cần thiết để thiết lập mối quan hệ tín dụng giữa hai bên.
Với sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường hiện nay, các ngân hàng ngày càng đa dạng hóa doanh mục cho vay của mình với cơ chế vay vốn linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Tùy theo từng đối tượng khách hàng hoạt động kinh doanh ngành nghề khác nhau, mục đích và nhu cầu sử dụng vốn khác nhau mà doanh nghiệp áp dụng chính sách vay vốn với từng đối tượng khác nhau.
- Hoạt động bảo lãnh
Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2014 thì: “Bảo lãnh ngân hàng là cam kết bằng văn bản của NHTM (bên bảo lãnh) với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh), khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho NHTM số tiền đã được trả thay. ”
Cam kết bảo lãnh là các văn bản cụ thể như hợp đồng bảo lãnh, thư bảo lãnh, thư L/C...của ngân hàng thương mại gửi đến bên thứ ba với mục đích là bảo lãnh vốn, bảo lãnh thanh toán hoặc bảo lãnh dự thầu. cho các doanh nghiệp. Việc bảo lãnh với bên thứ 3 cho doanh nghiệp để đảm bảo rằng, doanh nghiệp có năng lực tài chính để thực hiện hoạt động của mình, khẳng định năng lực và uy tín của doanh nghiệp.
- Hoạt động cho thuê tài chính
Hoạt động cho thuê tài chính là hoạt động tài trợ vốn thông qua việc cho thuê máy móc thiết bị, thường là thời gian cho thuê lâu dài, dài bằng số năm sử dụng của các máy móc thiết bị đó. Theo đó, mỗi một kỳ hạn thanh toán,doanh nghiệp sẽ thanh toán một số tiền định kỳ cho hoạt động thuê này. Thường dịch vụ cho thuê tài chính sẽ có đơn vị chuyên nghiệp thuộc ngân hàng thực hiện.
- Bao thanh toán
Theo Luật các Tổ chức tín dụng năm 2014 thì : iiBao thanh toán là hình thức cấp tín dụng mà các tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng cho doanh nghiệp là bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng hóa đã được bên bán hàng và bên mua hàng thỏa thuận trong hợp đồng mua mua bán hàng hóa.”
Các ngân hàng thương mại là đơn vị bao thanh toán, hỗ trợ doanh nghiệp về việc bổ sung vốn lưu động, thúc đẩy hoạt động thương mại trong và ngoài nước. Đặc thù của bao thanh toán là: có quyền thu đòi, các khoản phải thu và số dư bao thanh toán.
Theo Minh Kiều (2015) thì ‘‘Bao thanh toán có quyền truy đòi là có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho bên bán hàng, khi bên mua hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán các khoản phải thu đã được TCTD nhận bao thanh toán.”
Theo Nguyễn Thị Mùi (2017) thì: “Các khoản phải thu là số tiền mà bên bán phải phải thu từ bên mua hàng trong những khoảng thời gian được xác định trong hợp đồng mua bán hàng hóa.”
Theo Phan Thị Cúc (2018) thì: ‘‘Số dư bao thanh toán là số tiền mà TCTD ứng trước cho bên bán hàng chưa được bên mua hàng thanh toán.”