Các giải pháp cụ thể

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN các CÔNG cụ KINH tế TRONG QUẢN lý môi TRƯỜNG ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 25 - 27)

B. NỘI DUNG

3.2.2.Các giải pháp cụ thể

Một là, Nhà nước cần chi tiết đối tượng nộp thuế là các cá nhân, tổ chức “được phép” khai thác tài nguyên. Hơn nữa, cần quy định cụ thể về quy định nộp thuế trong trường hợp các cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ được phép khai thác tài nguyên. Để giảm thiểu rủi ro thất thu ngân sách từ thuế tài nguyên, hạn chế việc khai thác lậu, khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên thì trong một số trường hợp Nhà nước nên cân nhắc quản lý khoản thuế này theo doanh thu bán ra. Không chỉ vậy, thay vì chỉ căn cứ tính thuế theo sản lượng thực tế khai thác của cá nhân, doanh nghiệp như hiện tại thì nên bổ sung thêm căn cứ tính thuế theo trữ lượng của tài nguyên được phép khai thác.

Hai là, rà soát, bổ sung các quy định cụ thể trong việc tính thuế, phí; các mặt hàng phải chịu thuế, phí; đối tượng nộp thuế nhằm hoàn thiện Luật thuế Bảo vệ môi trường; rà soát, điều chỉnh các chính sách hiện hành có liên quan đến bảo vệ môi trường để xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ về bảo vệ môi trường; phải có sự đồng bộ giữa thuế, phí bảo vệ môi trường với các chế tài kiểm soát về giá, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục ô nhiễm...

Ba là, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển áp dụng công cụ giấy phép phát thải, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, khả thi, tiến tới áp dụng thí điểm thị trường giấy phép xả thải trong những lĩnh vực khác nhau, trong đó có thị trường nước thải công nghiệp, giúp công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung và môi trường nước thải nói riêng đạt hiệu quả cao hơn.

Bốn là, cần xác định đúng mức đặt cọc, bởi nó ảnh hưởng đến hiệu quả của hệ thống đặt cọc - hoàn trả. Các mức đặt cọc thấp sẽ không tạo ra động cơ đủ mạnh cho việc quản lý và bảo vệ môi trường. Ngược lại, các mức đặt cọc quá cao sẽ dẫn đến cản trở sự phát triển. Cần nâng cao nhận thức và ý thức của người sản xuất, tiêu dùng đối với vấn đề đặt cọc.

Năm là, giảm bớt các thủ tục hành chính khi rút tiền ký quỹ của chủ thể đầu tư; kéo dài thời hạn khai thác để kích thích các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, từ đó các doanh nghiệp sẽ cần nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

Sáu là, các chính sách trợ cấp như trợ giá xe buýt, giảm thuế mặc dù tạo ra được các mặt tích cực nhưng còn những hạn chế và quản lý chưa hiệu quả. Do vậy, nên xem xét thay vì trợ cấp trực tiếp nên chuyển sang trợ cấp gián tiếp như hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu thay thế sử dụng các nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm sang nguồn nhiên liệu/năng lượng sạch, công nghệ mới tiết kiệm nhiên liệu…

Bảy là, để bảo đảm tính đồng bộ, quy định về nhãn sinh thái nên quy định ngắn gọn, súc tích, mang tính nguyên tắc, giống các quy định khác gồm: Nhãn sinh thái là gì, điều kiện để được gắn nhãn sinh thái, định hướng tiêu dùng, sản xuất đối với các sản phẩm được gắn nhãn.

Cuối cùng là ban hành hệ thống văn bản pháp lý nhằm thống nhất mô hình, tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. Bổ sung thêm các quy định hướng dẫn về thời điểm và cách xác định, tính toán tiền lãi ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản để các Quỹ áp dụng được thuận tiện và chính xác.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN các CÔNG cụ KINH tế TRONG QUẢN lý môi TRƯỜNG ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 25 - 27)