Ở Việt Nam có khá nhiều công trình nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc của giáo viên, học sinh, sinh viên, trẻ nhỏ tại nhiều nơi. Các tác giả Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Huy Tú, Trần Trọng Thủy, … được coi là những tác giả tiên phong trong lĩnh vực này.
17
Bài viết của tác giả Nguyễn Huy Tú (2003): “Chỉ số thông minh cảm xúc cao - một tiêu đề thành công”, “Trí tuệ cảm xúc - bản chất và phương pháp chẩn đoán” và “Các mô hình lý thuyết về trí thông minh cảm xúc” do Nguyễn Công Khanh (dịch, 2003) đã bước đầu tiếp cận đến trí tuệ cảm xúc. Gần đây, các tác giả Nguyễn Công Khanh, Đinh Thị Kim Thoa và Nguyễn Thành Đoàn cũng đã bàn đến phương pháp luận nghiên cứu trí thông minh cảm xúc.
Tác giả Dương Thị Hoàng Yến (2009) với đề tài: “Trí tuệ cảm xúc của giáo viên tiểu học” đã rút ra kết luận: Trí tuệ cảm xúc của giáo viên tiểu học là một yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong sự nghiệp.
Một nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước của tác giả Nguyễn Công Khanh (2009): “Nghiên cứu trí tuệ cảm xúc ở học sinh Trung học phổ thông” đã sử dụng trắc nghiệm MSEIT của J. Mayer, P. Salovey và D. Caruso được Việt hóa đo lường trên 17000 học sinh. Kết quả cho thấy sự phát triển trí tuệ cảm xúc của học sinh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố và là sản phẩm của quá trình tương tác liên tục giữa bản thân và môi trường sống.
Tác giả Đào Thị Oanh (2010), trong đề tài khoa học cấp bộ: “Thực trạng biểu hiện của một số cảm xúc và kỹ năng đương đầu với cảm xúc tiêu cực ở thiếu niên hiện nay”, cho thấy: Nhìn chung, biểu hiện trạng thái cảm xúc của thiếu niên được nghiên cứu là tích cực và phần lớn đạt ở mức tốt. Thiếu niên nam trải nghiệm sự lo âu, căng thẳng nhiều hơn so với các thiếu niên nữ và các thiếu niên nữ thường cảm thấy tự tin hơn. Có thể là do các em nữ trưởng thành sớm hơn các em nam, các cách thức biểu hiện cảm xúc kín đáo hơn, trong khi các em nam tỏ ra hồn nhiên, bộc lộ cảm xúc trực tiếp và bột phát hơn. Có sự mâu thuẫn nhất định trong tự đánh giá về trạng thái cảm xúc của học sinh ở lứa tuổi này. Đó là mâu thuẫn giữa sự tự đánh giá về “tính tích cực” của bản thân học sinh với “tâm trạng” và với những trạng thái có liên quan tới “sức khoẻ” sinh lí thể chất: một mặt các em luôn tự cho mình là “mạnh mẽ”, “vui vẻ”, “yêu đời”, “hạnh phúc”, “tươi tỉnh”, “sung sức”,… Nhưng cùng lúc đó lại cảm thấy “thụ động”, “không muốn làm việc”, “không muốn động chân tay”, “đầu óc mụ mẫm” không tập trung được. Điều này có thể lí giải bằng đặc điểm phát triển tâm sinh lí của lứa tuổi này do sự chi phối của quy luật về tính mất cân đối tạm
thời trong sự phát triển cá nhân của trẻ. Và chính đây là điều làm cho bản thân thiếu niên vấp phải những khó khăn không nhỏ. Tương tự, sự khác biệt rõ rệt giữa nữ và nam thiếu niên vừa được đề cập ở trên cũng có thể được giải thích bằng quy luật về tính không đồng đều trong sự chín muồi giới tính, kéo theo những khác biệt về tâm lý, trong đó có khác biệt về cảm xúc. (Dẫn theo Nguyễn Thị Hải, 2014).
Ngoài ra còn có các tác giả khác nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc như: Nguyễn Thị Thanh Tâm (2012), Trí tuệ cảm xúc của cán bộ chủ chốt cấp cơ sở trong giao tiếp công vụ; Phan Trọng Nam (2012), Trí tuệ cảm xúc của sinh viên đại học sư phạm.