3.2.2.1 Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người nộp thuế phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế
Hiệu quả của kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế phụ thuộc rất lớn vào hệ thống thông tin người nộp thuế. Do đó, cơ sở dữ liệu người nộp thuế phải được cập nhật một cách chính xác, kịp thời, đầy đủ với sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin hiện đại, nhằm tránh việc đánh giá các tiêu chí rủi ro không chính xác. Đây chính là cơ sở để cơ quan thuế đánh giá rủi ro, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đối với người nộp thuế.
Hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế đảm bảo cung cấp các nội dung liên quan đến người nộp thuế như sau:
- Thông tin chung về người nộp thuế: Loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh chính, cơ cấu tổ chức, hình thức hạch toán kế toán, hình thức sở hữu vốn, số lao dộng...
- Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh và kê khai nộp thuế: thông tin trong tờ khai các loại thuế, phí, lệ phí (bao gồm cả thông tin trong tờ khai điều chỉnh, bổ sung hay phụ lục đính kèm); thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế (Báo cáo tài chính, Quyết định miễn, giảm thuế.)
81
- Thông tin về tính tuân thủ kê khai và nộp thuế: tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách của người nộp thuế (số thuế phát sinh, số thuế đã nộp; số lần nộp chậm, không nộp tờ khai...), kết quả thanh tra, kiểm tra các năm.
- Thông tin từ các bên liên quan: Kho bạc, Hải quan, các bên liên quan. - Thông tin khác: Báo đài, thông tin tố cáo.
3.2.2.2 Công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm
Hiện nay hoạt động kiểm tra thuế thực hiện theo quy trình 528/QĐ-TCT ngày 29/5/2008 và hoạt động thanh tra thuế thực hiện theo quy trình 460/QĐ- TCT ngày 05/5/2009 của Tổng cục thuế. Tuy nhiên việc lựa chọn người nộp thuế để thanh tra, kiểm tra mới chỉ căn cứ vào một vài tiêu chí rủi ro đã được xây dựng, các tiêu chí này chưa đánh giá được toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đạt hiệu quả cao, xác định đúng đối tượng cần thanh tra, kiểm tra thuế thì một số kiện nghị được đưa ra là:
- Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá rủi ro của quy trình thanh tra, kiểm tra thuế đã được xây dựng, Chi cục thuế Quận Hai Bà Trưng xây dựng thêm các tiêu chí đánh giá rủi ro và các thang điểm tương ứng với từng loại rủi ro, tổng hợp kết quả đánh giá rủi ro và xếp loại rủi ro từ cao xuống thấp dựa trên điểm số. Căn cứ vào nguồn lực cán bộ để lựa chọn số lượng doanh nghiệp tiến hành thanh tra, kiểm tra sao cho vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo số lượng cuộc thanh tra, kiểm tra theo chỉ tiêu được giao.
- Ứng dụng tin học vào việc phân tích, chọn người nộp thuế để thanh tra, kiểm tra: Để công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế khoa học, không phải tốn nhiều thời gian cho việc phân tích hồ sơ, Chi cục thuế Quận Hai Bà Trưng nên kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho triển khai Ứng dụng phân tích rủi ro phục vụ thanh tra, kiểm tra đã triển khai ở một số tỉnh, thành phố trong nước[4].
3.2.2.3 Phát triển và mở rộng các kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế
Bất kể quy trình thanh tra, kiểm tra nào cũng cần một số tiêu chí để duy trì đúng hướng, đảm bảo tính hợp lý, thống nhất và dễ hiểu. Những tiêu chí chủ yếu cần phải quan tâm:
- Đánh giá rủi ro: Rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát và rủi ro thực hiện;
- Chất lượng của tài liệu (các ghi chép khi thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế - nhật ký thanh tra, kiểm tra thuế);
- Trọng yếu: Tầm quan trọng của các điều chỉnh hoặc kết luận thanh tra, kiểm tra thuế.
Ngoài việc thực hiện đúng các bước trình tự theo quy trình, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế cần hiểu rõ bản chất, các giai đoạn cần thiết phải thực hiện khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế tại cơ sở. Các giai đoạn cần thiết của một cuộc thanh tra, kiểm tra thuế như sau:
* Chuẩn bị thanh tra, kiểm tra thuế
Cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế phải đảm bảo nắm được sơ bộ về người nộp thuế trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế như quy mô, ngành nghề, quy trình sản xuất... và chính sách pháp luật có tác động đến người nộp thuế đó.
* Tập hợp thông tin
Bằng hình thức phỏng vấn và thăm quan cơ sở hoạt động, nhà máy, cán bộ thanh tra, kiểm tra thu thập thông tin mới và cập nhật những dữ liệu đã có liên quan đến hoạt động và hệ thống kế toán của người nộp thuế.
* Đánh giá hệ thống kế toán của đơn vị để xác định độ tin cậy trong việc tuân thủ pháp luật thuế: những thế mạnh và những hạn chế.
* Kiểm tra
Dựa vào thông tin thu thập được trong 3 bước đầu, cán bộ thanh tra, kiểm tra sẽ đưa ra những hình thức kiểm tra để xác định mức tuân thủ. Sau khi phân tích, cán bộ thanh tra, kiểm tra có thể tiếp tục mở rộng hình thức kiểm tra hoặc thực hiện các hình thức kiểm tra khác.
83
Đặc biệt kiểm tra một số nội dung cơ bản về những hành vi vi phạm pháp luật thuế thường xảy ra như sau:
- Kiểm tra đối với các khoản chi phí để tính trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm của người nộp thuế, thông thường một số doanh nghiệp đã có hành vi làm tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp. Vì vậy công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm đòi hỏi cần phải tiến hành rộng rãi, sâu sắc để từng bước giảm rủi ro, thất thoát tiền thuế cho ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ cương phép nước. Các dấu hiệu của hành vi vi phạm thường xảy ra như sau:
+ Hành vi kê khai vốn pháp định theo giấy phép đăng ký kinh doanh cao hơn so với vốn góp thực tế;
+ Hành vi hạch toán liên quan tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp về người lao động;
+ Số dư tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động hết thời hạn nộp báo cáo quyết toán với cơ quan thuế chưa chi trả (trừ những doanh nghiệp có lập quỹ dự phòng);
+ Hạch toán các chi phí liên quan đến khấu hao Tài sản cố định; + Hành vi hạch toán các chứng từ chi phí không có hóa đơn hợp pháp;
+ Hành vi hạch toán các chứng từ hóa đơn không liên quan đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
+ Hạch toán chi phí nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa vượt mức tiêu hao hợp lý.
+ Hạch toán chi phí các khoản dự phòng vượt mức hoặc số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng nhưng doanh nghiệp không hoàn nhập phần chênh lệch vào thu nhập khác theo quy định;
Căn cứ vào báo cáo tài chính, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, tờ khai thuế giá trị gia tăng hàng tháng để tiến hành đối chiếu kiểm tra doanh thu trên sổ kế toán:
+ Đối chiếu doanh thu trên sổ kế toán xem có khớp với các báo cáo;
+ Kiểm tra tính hợp pháp của các khoản giảm trừ doanh thu đã hạch toán trên các tài khoản, đối chiếu với hồ sơ, biên bản để xác định nguyên nhân và tính hợp pháp của các khoản giảm trừ;
+ Kiểm tra các luồng tiền thanh toán để làm rõ các khoản tiền có liên quan đến doanh thu, đối chiếu với hồ sơ khai thuế kiểm tra tính chính xác của hồ sơ khai thuế;
+ Kiểm tra các báo cáo nhập, xuất, tồn kho hàng hóa, vật tư đối chiếu với các tài khoản liên quan để phát hiện doanh nghiệp có nhập kho hàng hóa, vật tư đúng giá trên hóa đơn nhưng ghi sổ với số lượng ít hơn. Như vậy, khi đưa vào sản xuất hoặc giá vốn hàng hóa bán ra cao hơn thực tế nhập kho. Phần chênh lệch dôi ra về lượng sẽ là phần doanh nghiệp trốn doanh thu, trốn thuế giá trị gia tăng, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.
e./ Hoàn thành thanh tra, kiểm tra:
Khi quyết định kết thúc thanh tra, kiểm tra, cán bộ thuế phỏng vấn người nộp thuế lần sau cùng, sau đó hoàn thành và gửi báo cáo cần thiết cho người nộp thuế và các đơn vị trong cơ quan thuế.
3.2.2.4 Tổ chức xử lý sau thanh tra, kiểm tra thuế
Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế chỉ thực sự hiệu quả khi các quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra thuế được thực hiện kịp thời và đầy đủ. Vì vậy, Chi cục thuế Quận Hai Bà Trưng cần tổ chức tốt công tác theo dõi, đôn đốc đối tượng thanh tra, kiểm tra thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra thuế. Những trường hợp cố tình không thực hiện quyết định xử lý, Chi cục thuế Quận Hai Bà Trưng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu
85
quan tổ chức cưỡng chế thực hiện các quyết định xử lý cần thiết đảm bảo pháp luật thuế được thực hiện nghiêm minh.