3.2.3.1 Tăng cường công tác tuyên truyền cho người nộp thuế
- Phân loại người nộp thuế để áp dụng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ thực thi pháp luật thuế phù hợp với từng nhóm người nộp thuế.
- Xây dựng, triển khai đa dạng các phương pháp, hình thức tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tập trung thống nhất, đặc biệt chú trọng cung cấp các hỗ trợ qua hình thức điện tử.
- Tăng cường áp dụng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế hiện đại, phù hợp với trình độ phát triển của xã hội như: Trung tâm giải đáp về thuế bằng điện thoại, Internet; hỗ trợ người nộp thuế qua bộ phận “một cửa” tại cơ quan thuế các cấp; tạo các diễn đàn theo ngành hoặc nhóm người nộp thuế để trao đổi thông tin với người nộp thuế, đại diện của họ và các bên quan tâm...
- Triển khai các hình thức cung cấp, tra cứu hoặc trao đổi thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử ngành Thuế và các phương tiện điện tử khác.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, bộ tài liệu hướng dẫn, trả lời các vướng mắc thường gặp đối với từng sắc thuế, thủ tục hành chính thuế và đăng tải trên Trang thông tin điện tử ngành Thuế, đồng thời làm tài liệu phục vụ cho việc hỗ trợ người nộp thuế tại các trung tâm trả lời bằng điện thoại, Internet.
- Công khai các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ quản lý tại trụ sở cơ quan thuế các cấp trên phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử ngành thuế để người nộp thuế biết và giám sát việc thực thi pháp luật thuế của công chức thuế.
- Xây dựng cơ chế tham vấn các đại lý thuế, người nộp thuế và các bên liên quan về thủ tục hành chính, chính sách thuế để từng bước cải cách và hoàn thiện pháp luật thuế.
- Đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động hỗ trợ người nộp thuế: hợp tác, hỗ trợ các đại lý thuế thực hiện dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế; hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển các đại lý thuế, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các đại lý thuế cho người nộp thuế.
- Phối hợp xây dựng và áp dụng các cơ chế quản lý, giám sát và phối hợp hoạt động với các trung gian thuế, đặc biệt là các đại lý thuế trong việc hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế.
- Tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ, công chức làm công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
- Tích cực hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm thực hiện công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế của cơ quan thuế các tỉnh, thành phố trong cả nước để áp dụng với địa phương.
3.2.3.2 Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp các ngành có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế
Đây là công việc rất quan trọng đối với thanh tra, kiểm tra thuế do đối tượng điều tiết của thuế rất rộng, trên mọi lĩnh vực và mọi thành phần kinh tế. Cơ chế phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tốt sẽ trợ giúp rất lớn cho thanh tra, kiểm tra thuế, cụ thể:
- Công tác quản lý người nộp thuế tại các địa bàn, đặc biệt là dưới phường rất khó khăn, phức tạp. Công tác Ủy nhiệm thu thuế còn nhiều hạn chế. Do đó, Ủy ban nhân dân Quận cần chỉ đạo các ban ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cán bộ thuế tại địa bàn nhằm phát hiện, đưa vào quản lý các nguồn thu;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư thực hiện tốt công tác đăng ký Mã số thuế doanh nghiệp; kịp thời cung cấp mã số cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh của người nộp thuế;
87
- Phối hợp với cơ quan công an các cấp nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật; đồng thời cung cấp kịp thời, đầy đủ dữ liệu cho cơ quan công an trong công tác điều tra tội phạm kinh tế;
- Phối hợp với Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng trong công tác hiện đại hóa thu nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi có số thuế phát sinh phải nộp vào Ngân sách nhà nước hay phát sinh các vấn đề có liên quan.
3.2.3.3 Hoàn thiện cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác
Hiện tại, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý thuế nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra thuế nói riêng tuy đã được đầu tư hơn trước nhưng vẫn còn nghèo nàn. Trong điều kiện số lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế ngày càng tăng lên do yêu cầu quản lý thì cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác cần được tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo hướng:
- Số lượng văn phòng làm việc phù hợp với số lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế trong thời gian tới, bao gồm cả nơi làm việc và nơi lưu giữ hồ sơ thanh tra, kiểm tra thuế, nơi tiếp người nộp thuế.
- Đầu tư thiết bị tin học, trợ cấp máy tính xách tay để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế khi làm việc tại trụ sở người nộp thuế hoặc khi đi công tác, tập huấn.
Việc quan tâm tới các điều kiện làm việc không chỉ động viên về mặt vật chất mà còn động viên về mặt tinh thần cho cán bộ an tâm công tác và phục vụ hết mình cho công tác thanh tra, kiểm tra và công tác quản lý thuế nói chung.