TTXVN (Moskva) - Thời gian gần đây, những biện pháp của chính quyền Nga nhằm
siết chặt an toàn phòng dịch COVID-19 lây lan từ Trung Quốc vào Nga khiến mối quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh trở nên nhạy cảm hơn.
Các phương tiện truyền thông Nga đưa tin ban lãnh đạo các công ty vận tải công cộng ở Moskva yêu cầu các lái xe phải thông báo về tổng đài khi phát hiện trên xe có hành khách với khuôn mặt giống người Trung Quốc. Tại một số bến tàu điện ngầm có các trạm kiểm tra y tế đối với công dân các nước châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc đến Moskva cũng bị yêu cầu cách ly 2 tuần.
Chính quyền còn chỉ đạo cảnh sát kiểm tra khách sạn, ký túc xá, chung cư và các doanh nghiệp để theo dõi số lượng người Trung Quốc. Họ cũng cho phép sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để tìm những người nghi ngờ trốn cách ly 14 ngày khi đến Nga. Trên phương tiện giao thông công cộng (tàu điện ngầm, xe điện, xe buýt) công dân Trung Quốc được yêu cầu điền vào bản khai họ đến từ thành phố nào, lý do đến Nga và đã trải qua đợt cách ly 14 ngày hay chưa, tình trạng sức khỏe của họ và những người xung quanh nơi họ ở thế nào...
Kể từ ngày 20/2, Chính phủ Nga chính thức cấm công dân Trung Quốc vào lãnh thổ nước này, ngoại trừ các trường hợp vì mục đích công vụ và quá cảnh ở các sân bay. Bất kỳ công dân Trung Quốc nào từ vùng dịch đến Nga đều phải thực hiện biện pháp tự cách ly 14 ngày, bao gồm các nhà ngoại giao. Ngày 20/2, hàng loạt phương tiện truyền thông Nga đưa tin một nhóm du khách Trung Quốc đã cố tình trốn khỏi khu vực cách ly ở khách sạn và đến các điểm tham quan du lịch đông người ở trung tâm Moskva. Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga xác nhận đã nhận được thông báo từ Ủy ban Du lịch Moskva. Theo thông báo chính thức của phía chính quyền Moskva, ngày 20/2, nhóm 23 khách du lịch Trung Quốc đang đi bộ gần ga tàu điện ngầm Novoslobodskaya, khi nhìn thấy cảnh sát và bác sĩ Nga họ đã chạy trốn trên một chiếc xe buýt tham quan. Sau đó, cảnh sát phải đuổi theo và ra lệnh cho xe buýt dừng lại. Các bác sĩ tiến hành kiểm tra nhiệt độ của từng hành khách, trong khi cảnh sát làm rõ thông tin về những vị du khách bỏ chạy này và được biết họ đến Moskva vào ngày 19/2. Theo yêu cầu của phía Nga, nhóm khách du lịch đã bị buộc dừng chuyến tham quan theo kế hoạch và trở về khách sạn tiếp tục tự cách ly trong 14 ngày.
Theo các số liệu thống kê, hơn 11.000 công dân Trung Quốc đang được giám sát y tế ở Nga do COVID-19. Ngoài ra, khoảng 10.000 sinh viên Trung Quốc đã quay trở lại Nga trước ngày 20/2 cũng đang được cách ly và theo dõi. Sau khi các sự việc liên tiếp xảy ra không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, giao thương, mà còn ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Trung và hình ảnh của Trung Quốc, Bắc Kinh đã có phản ứng với phía Nga. Theo đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Liên bang Nga và chính quyền thành phố Moskva, yêu cầu phía Nga không áp dụng các biện pháp khẩn cấp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc theo luật pháp và các quy định văn bản pháp lý song phương. Ngày 25/2, một số tờ báo có xu hướng đối lập ở Nga công bố
toàn văn bản chụp công hàm của Đại sứ quán Trung Quốc tại Liên bang Nga gửi chính quyền thành phố Moskva với nội dung bày tỏ sự không hài lòng đối với các biện pháp phòng dịch COVID-19 mà chính quyền thủ đô Nga thực thi chỉ nhắm vào công dân Trung Quốc. Nội dung công hàm nêu rõ: “Những trường hợp tương tự như việc giám sát đặc biệt đối với công dân Trung Quốc trên các phương tiện công cộng của thành phố Moskva chưa từng xảy ra ở bất kỳ nước nào, bao gồm ở Mỹ và các nước phương Tây. Trong bối cảnh tình hình bệnh dịch tại Trung Quốc đang được cải thiện, điều này gây nên sự khó hiểu và tình huống báo động đối với người dân Moskva và công dân Trung Quốc sống tại đây, gây tổn thương bầu không khí thuận lợi đối với việc phát triển quan hệ Trung-Nga. Phía Trung Quốc hiểu sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cho rằng việc làm đó là phù hợp và không có tính phân biệt đối xử… Để trấn an xã hội và không làm gián đoạn quan hệ hữu hảo của nhân dân Trung Quốc và Nga, Đại sứ quán yêu cầu chính quyền thành phố Nga không thực hiện các biện pháp quá mức, để cho các biện pháp được thực thi sẽ trên tinh thần các thỏa thuận của lãnh đạo hai nước và đáp ứng mức độ tin cậy của quan hệ song phương”.
Sau khi nội dung bức công hàm này được lan truyền và gây làn sóng phẫn nộ trên các trang mạng xã hội, trở thành đề tài nóng ở Nga, chính quyền Moskva chính thức lên tiếng. Ngày 26/2, Thời báo kinh doanh Nga (RBK) dẫn nội dung bức thư của Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin gửi Đại sứ Trung Quốc khẳng định những biện pháp mà chính quyền thủ đô Nga tiến hành là nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân và hành khách đi tàu điện ngầm, cũng như ngăn ngừa lây lan SARS-CoV-2. Lãnh đạo thành phố Moskva cũng đề nghị Đại sứ Trung Quốc có thái độ hiểu biết đối với những biện pháp mà chính quyền thủ đô Nga buộc phải tiến hành, đồng thời kêu gọi những người đồng bào mình triệt để tuân thủ chế độ cách ly. Trong thư, Thị trưởng Sobyanin cảnh báo việc vi phạm quy định của bác sĩ về chế độ cách ly và các quy định của luật di trú sẽ bị trừng phạt bằng việc trục xuất ra khỏi nước Nga theo trình tự tại tòa án. Tối cùng ngày, hãng thông tấn TASS dẫn nguồn cơ quan báo chí của Thị trưởng Moskva cho biết bức thư trả lời chính thức chưa được gửi đến Đại sứ quán Trung Quốc. Tuy nhiên, nội dung bức thư nói trên cùng với chữ ký của Thị trưởng Sobyanin là có thật. TASS dẫn lời ông Boris Bulay, Phó trưởng văn phòng báo chí Thị trưởng Moskva: “Bức thư có chữ ký của Thị trưởng Moskva chưa được gửi đến Sứ quán (Trung Quốc). Có thể các nhà báo bằng cách nào đó đã có được bản sao từ bộ máy chính quyền hoặc từ Sở Ngoại vụ, nhưng văn kiện chính thức đến thời điểm này chưa có”.
Giới quan sát cho rằng cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc đã hành động thiếu “nhạy cảm” khi gửi công hàm bày tỏ thái độ với công việc nội bộ của chính quyền địa phương Nga. Bức thư trả lời của Thị trưởng Moskva tuy chưa chính thức gửi đến Đại sứ quán Trung Quốc nhưng việc công bố nội dung trên mặt báo cho thấy rõ lập trường không khoan nhượng của chính quyền thủ đô Nga. Đây cũng là cách phía Nga đáp trả hành động thiếu tế nhị của cơ quan ngoại giao Trung Quốc. Trong khi đó, theo hãng tin Interfax, bình luận về yêu cầu nói trên của Đại sứ quán Trung Quốc, người phát ngôn Điện Kremli
Dmitry Peskov khẳng định các biện pháp ngăn chặn lây lan virus được áp dụng với tất cả mọi người, không loại trừ công dân Trung Quốc. Ông Peskov nói thêm: “Chúng tôi cũng coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc, bởi vậy không thể nói về biện pháp nào đó mang tính phân biệt đối xử”.