Đừng nên mong đợi một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung?

Một phần của tài liệu BCA041 (Trang 35 - 37)

TTXVN (cnbc.com) - Hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã có một cái kết tất yếu. Mỹ không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh hay hứa hẹn giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt nào, trong khi Bình Nhưỡng cũng từ chối phá hủy các tài sản quân sự hạt nhân và các thiết bị liên quan của mình.

Câu hỏi về việc tại sao người ta cần phải tiến hành tới 2 hội nghị thượng đỉnh và hàng loạt cuộc tham vấn song phương trong suốt 7 tháng qua chỉ để dẫn đến một “thất bại” có thể đoán trước là điều mà giới phân tích sẽ phải đau đầu tìm đáp án.

Kết quả tốt đẹp nhất sau 2 hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều chính là việc Triều Tiên cam kết ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, còn Mỹ quyết định ngừng các cuộc tập trận quy mô và kéo dài (với Hàn Quốc), vốn bị xem là mô phỏng chiến dịch quân sự xâm lược Triều Tiên. Các cuộc thảo luận giữa Washington và Bình Nhưỡng dường như là để duy trì những đồng thuận ấy. Cũng có thể Triều Tiên muốn tận dụng các cuộc gặp này để tránh rơi vào tình thế lúng túng sau khi các hội nghị thượng đỉnh không đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, những “chiến hữu” của Bình Nhưỡng, nhất là Trung Quốc, có thể nảy ra những ý tưởng khác, chẳng hạn như thúc đẩy một sáng kiến lấy nền tảng là vấn đề nhân đạo tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm nới lỏng các đòn trừng phạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân Triều Tiên.

Mỹ sẽ phản đối lựa chọn này bởi đó là những lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực tối đa đối với Bình Nhưỡng, buộc họ phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, những bế tắc do quyền phủ quyết tại HĐBA có thể sẽ càng làm nảy sinh những ý tưởng để làm suy yếu lệnh trừng phạt hơn bao giờ hết, điều mà Mỹ khó có thể can thiệp.

Vì vậy, vấn đề Triều Tiên vẫn sẽ tồn tại như một “quả bom hẹn giờ” cho đến khi người ta có thể tìm ra giải pháp cho việc đảm bảo an ninh và một sự dàn xếp kinh tế-chính trị có thể chấp nhận được cho toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Để hiện thực hóa những giải pháp đó, vấn đề đối với Mỹ là phải làm thế nào để có được một thỏa thuận tạm chấp nhận được - hay nói cách khác là chung sống hòa bình - với Trung Quốc. Điều quan trọng mà Washington cần phải hiểu là một “cuộc cạnh tranh chiến lược” và công khai thù địch hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu ấy. Đặc biệt là nếu “đối thủ” được coi là một “cường quốc xét lại” muốn thay đổi trật tự thế giới mà Mỹ tạo dựng.

Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào tình trạng xung đột kéo dài. Với mục tiêu cân bằng những lợi ích thương mại và giảm mức thặng dư gần nửa nghìn tỷ USD của Trung Quốc trong giao thương với Mỹ, Washington đang chạm vào những lằn ranh đỏ nhạy cảm nhất của Bắc Kinh. Mỹ đòi hỏi Bắc Kinh phải thực thi những cải tổ về cấu trúc để chấm dứt tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ. Mỹ cũng muốn loại bỏ các rào cản phi thuế quan của Trung Quốc đối với thương mại, chẳng hạn như trợ cấp công nghiệp, cũng như các quy định, thủ tục cấp phép, tiêu chuẩn kỹ thuật và các hoạt động phân biệt đối xử với các doanh nghiệp Mỹ vốn tạo ra lợi thế không công bằng cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trung Quốc phủ nhận tất cả những điều trên, song Mỹ vẫn nhất quyết thiết lập các thủ tục xem xét thuế quan trong trường hợp Bắc Kinh vi phạm bất kỳ quy tắc và hoạt động thương mại nào mà Mỹ đặt ra.

Nếu nhìn nhận một cách rõ ràng về bản chất các cải cách cơ cấu ở Trung Quốc, cũng như các thủ tục cần thiết để đảm bảo quá trình thực thi các cải cách đó, rõ ràng một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp Mỹ thiết lập một sự giám sát hiệu quả đối với nền kinh tế của Trung Quốc, song song với mối đe dọa áp thuế thường trực. Và sau đó, có lẽ Mỹ sẽ tiến tới việc kiểm soát chính sách tiền tệ của Trung Quốc, và bằng cách tuyên bố Trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái để giảm bớt tác động của thuế quan thương mại và duy trì lợi thế cạnh tranh, Mỹ muốn Bắc Kinh phải báo cáo minh bạch các hoạt động can thiệp vào hệ thống tiền tệ. Đó là một sự kiểm soát chính sách tiền tệ khá thuần túy, bởi giới chức can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách tăng hoặc giảm số lượng tiền mặt (cụ thể là đồng nhân dân tệ) lưu hành trên thị trường. Về cơ bản, các biện pháp can thiệp và chính sách lưu thông tiền tệ là một. Ngoài ra, Washington muốn đảm bảo rằng Trung Quốc không thao túng tỷ giá hối đoái nhằm mục đích tự do điều chỉnh các điều khoản thương mại của mình.

Thực tế đó gần như là điều không thể. Trước hết, Trung Quốc và Mỹ sẽ phải thống nhất về chỉ số giá được sử dụng để tiến hành phân tích (ví dụ: chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, giá xuất khẩu và chi phí lao động). Thứ hai, hai bên phải thống nhất về khoảng thời gian phù hợp để xúc tiến các phân tích này. Khó có thể hình dung một cường quốc như Trung Quốc sẽ chấp nhận để Mỹ áp đặt các kiểm soát như vậy đối với nền kinh tế của họ.

Quá trình đàm phán thương mại đang diễn ra sẽ chỉ củng cố niềm tin của Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ tìm mọi cách để hủy hoại nền kinh tế của Trung Quốc, tạo ra sự bất đồng trong hệ thống chính trị và kích động xung đột xã hội.

Washington sẽ chẳng đi đến đâu với chiến lược thương mại hiện tại dành cho Trung Quốc. Còn Bắc Kinh thì đơn giản là không thể chấp nhận để Washington kiểm soát nền kinh tế của họ. Nhu cầu cấp bách của việc giảm mức thâm hụt ngân sách khổng lồ trong thương mại với Trung Quốc đáng nhẽ nên thúc đẩy Mỹ đề ra một chiến lược nhằm hạn chế hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, duy trì cán cân tương đương với hàng hóa xuất khẩu mà Mỹ đưa sang Trung Quốc. Khi có được sự cân bằng này, Mỹ có thể sẵn sàng thảo luận các vấn đề thương mại mà họ muốn, với mục tiêu quan trọng hơn cả là duy trì cán cân thương mại Mỹ-Trung một cách hợp lý.

Nếu mọi chuyện tiếp diễn, hai bên sẽ đi đến kết cục là các khoản thuế thương mại trả đũa lẫn nhau, các mâu thuẫn, các mục tiêu không công khai và một mối quan hệ ngày càng thù địch - điều càng không thể ngăn của cải và công nghệ của Mỹ “chảy” sang Trung Quốc.

VENEZUELA

Một phần của tài liệu BCA041 (Trang 35 - 37)