2.2.4.1. Bệnh viêm tử cung
Viêm tử cung là một trong những yếu tố gây vô sinh, rối loạn chức năng cơ quan sinh dục vì các quá trình viêm ở trong dạ con cản trở sự di chuyển của tinh trùng, tạo độc tố có hại cho tinh trùng như: Spermiolisin (độc tố làm tiêu tinh trùng). Các độc tố của vi khuẩn, vi trùng và các đại thực bào tích tụ gây bất lợi với tinh trùng, ngoài ra nếu có thụ thai được thì phôi ở trong môi trường dạ con bất lợi cũng dễ bị chết non (Lê Văn Năm, 1999) [18].
Lợn là loài sinh sản đa thai, khả năng sinh sản ngày càng cao nên bộ phận sinh dục hoạt động nhiều, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập nhất là trong điều kiện dinh dưỡng không phù hợp, điều kiện chăm sóc vệ sinh kém thì bệnh dễ xảy ra.
Viêm tử cung là một quá trình bệnh lý thường xảy ra ở gia súc cái sinh sản sau đẻ. Quá trình viêm phá huỷ các tế bào tổ chức của các lớp hay các tầng tử cung gây rối loạn sinh sản ở gia súc cái, làm ảnh hưởng lớn, thậm chí làm mất khả năng sinh sản ở gia súc cái (Trần Tiến Dũng và cs. 2002) [7].
Theo Trần Tiến Dũng và cs. (2002) [7], triệu chứng viêm tử cung thể hiện qua 3 thể viêm: Viêm nội mạc, viêm cơ, viêm tương mạc.
Theo Phạm Sỹ Lăng và cs. (2002) [12], Nguyễn Xuân Bình (2000) [2], Lê Minh và cs. (2017) [17] bệnh viêm tử cung ở lợn nái thường do các nguyên nhân sau:
- Cơ quan sinh dục lợn nái phát triển không bình thường gây khó đẻ hoặc lợn nái khó đẻ do thai quá to, thai ra ngược, thai phát triển không bình thường... - Bệnh kế phát từ các bệnh khác như bệnh viêm âm đạo, tiền đình, bàng quang hoặc các bệnh truyền nhiễm: Sảy thai truyền nhiễm, phó thương hàn, bệnh lao... thường gây ra các bệnh viêm tử cung.
- Trong quá trình có thai, lợn nái ăn uống nhiều chất dinh dưỡng, tinh bột, protein và ít vận động cơ thể nên cơ thể béo dẫn đến khó đẻ. Hoặc do thiếu
dinh dưỡng lợn nái sẽ ốm yếu, sức đề kháng giảm nên không chống lại vi trùng xâm nhập cũng gây viêm.
- Do dụng cụ thụ tinh nhân tạo cứng gây sây sát sẽ tạo ra các ổ viêm nhiễm trong âm đạo hoặc tử cung hoặc do tinh dịch bị nhiễm khuẩn.
- Lợn đực bị viêm niệu quản và dương vật khi nhảy trực tiếp sẽ truyền bệnh sang lợn nái.
- Bệnh còn xảy ra khi chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý kém hoặc do thời tiết khí hậu thay đổi đột ngột, thời tiết quá nóng, quá lạnh, ẩm ướt kéo dài.
Kết quả khảo sát tình hình mắc bệnh viêm tử cung trên 620 lợn nái ngoại nuôi tại một số trại tại vùng Bắc Bộ cho thấy: Tỷ lệ nhiễm viêm tử cung ở đàn lợn tương đối cao, biến động từ 36,57% tới 61,07%. Tỷ lệ mắc tập trung ở những lợn nái đẻ lứa đầu đến lứa thứ 8 (Nguyễn Văn Thanh, 2007) [23].
Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Minh (2014) [16], yếu tố thời tiết, khí hậu, ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ mắc viêm tử cung: Mùa Hạ có tỷ lệ nhiễm cao nhất 53,37%; mùa Đông 46,05%; mùa Thu 43,70%.
Viêm tử cung là một bệnh khá phổ biến ở gia súc cái, nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của gia súc cái.
Theo Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Hoài Nam. (2016) [24], viêm tử cung là một hội chứng thường xuất hiện trên lợn nái sau khi đẻ. Lợn nái viêm tử cung sẽ bị tổn thương lớp niêm mạc. Từ đó gây ảnh hưởng sự tiết Prostagladin F2α và làm xáo trộn chu kỳ động dục làm tăng tình trạng chậm sinh và vô sinh.
Khảo sát tình hình viêm nhiễm đường sinh dục lợn nái sau khi sinh và hiệu quả điều trị của một số loại kháng sinh trên 143 lợn nái sau khi sinh, tác giả Trần Ngọc Bích và cs. (2016) [1], đã phát hiện 106 con tiết dịch nghi viêm đường sinh dục, chiếm tỷ lệ 74,13%.
2.2.4.2. Bệnh viêm vú
Khi nghiên cứu về mô học và vi khuẩn học từ mẫu mô vú bị viêm cho thấy, vi khuẩn chính gây viêm vú là: Staphylococcus spp và Arcanobacterium
pyogenes (Christensen R. V và cs. 2007) [27].
Khi lợn nái đẻ nếu nuôi không đúng cách, chuồng bẩn thì các vi khuẩn,
Mycoplasma, các cầu khuẩn, vi khuẩn đường ruột xâm nhập gây ra viêm vú.
Thức ăn không phù hợp cho lợn nái, không giảm khẩu phần ăn cho lợn nái trước khi đẻ một tuần làm cho lượng sữa tiết ra quá nhiều gây tắc sữa. Sau vài ngày đẻ mà lợn con không bú hết, sữa lưu là môi trường tốt cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm như: E.coli, streptococus, staphylococus, klebsiella…(Đỗ Duy Hùng, 2011) [11].
Lợn con mới đẻ có răng nanh mà không bấm khi bú sẽ làm xây sát vú mẹ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập tạo ra các ổ viêm nhiễm bầu vú.
Chỉ cho lợn con bú một hàng vú, hàng còn lại căng quá nên viêm.
Do thời tiết thay đổi đột ngột, lạnh quá hoặc nóng quá hay thức ăn khó tiêu cũng ảnh hưởng đến cảm nhiễm vi trùng.
2.2.4.3. Bệnh sót nhau
Theo Trịnh Đình Thâu và Nguyễn Văn Thanh (2010) [25], sau khi đẻ tử cung co bóp yếu trong thời gian mang thai nhất là giai đoạn cuối con vật không được vận động thỏa đáng. Trong thức ăn thiếu các chất khoáng, nhất là Ca và P. Hoặc tử cung bị sa liệt, con vật quá gầy yếu hoặc quá béo, chửa quá nhiều thai, thai quá to, khó đẻ, nước ối quá nhiều làm tử cung giãn nở quá mức.
Do viêm niêm mạc tử cung trước lúc đẻ làm dính nhau với tử cung hoặc nhau chưa ra hết thì người đỡ đẻ đã kéo đứt còn lại một ít sót lại trong tử cung. Do lợn con còn sót lại ở trạng thái nằm sai vị trí làm tắc đường ra của nhau.
Sau khi đẻ 4 - 5 giờ không thấy nhau ra hoặc không hết là bị sót nhau. Lợn nái rặn nhiều, đôi khi bỏ ăn, sốt cao liên tục 40 - 41°C trong vòng 1 - 2 ngày, lợn mẹ cắn con, không cho con bú, niêm dịch chảy ra màu đục, lẫn máu.
Can thiệp kịp thời ngay khi nái có biểu hiện bệnh, không để quá muộn sẽ gây ra viêm tử cung, can thiệp đúng kỹ thuật, không quá mạnh tay, tránh những tổn thương. Tiêm oxytocin để kích thích co bóp tử cung cho nhau còn sót lại đẩy ra ngoài hết. Sau khi nhau thai ra dùng nước muối sinh lý 0,9% để rửa tử cung trong ba ngày liên tục (Trịnh Đình Thâu và Nguyễn Văn Thanh, 2010) [25].