Ngay khi Pháp chiếm các tỉnh Nam Kỳ, người Việt Nam liên tục nổi lên chống Pháp, nhưng đều bị đàn áp và thất bại. Sáu tỉnh miền Nam trở thành thuộc địa Pháp từ năm 1874, Trung và Bắc Kỳ bị bảo hộ năm 1884. Từ năm 1897, Bắc Kỳ theo chế độ bảo hộ trực tiếp do viên Thống sứ Pháp nắm quyền cai trị. Sang đầu thế kỷ XX, những nhà yêu nước Việt Nam thay đổi chiến lược, mở cuộc vận động văn hóa chính trị. Gần như cùng một lúc xuất hiện hai phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo và phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh đề xướng.
Có thể nói suốt cuộc đời, những nhà chí sĩ Việt Nam yêu nước đầu thế kỷ XX đều ôm ấp cao vọng: khôi phục lại độc lập dân tộc, khôi phục chủ quyền cho đất nước.
Trong nhiều lựa chọn, có một lựa chọn, đó là, phải thức tỉnh dân tộc, làm cho dân tộc thoát khỏi di sản chuyên chế phong kiến kéo dài hàng nghìn năm. Một trong các con đường đi tới là nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, cải thiện đời sống nhân dân. Dựa vào chính sách “khai hóa văn minh” để công khai đấu tranh đòi các quyền dân chủ, thực hiện nhiệm vụ to lớn, lâu dài là làm cho dân ý thức được các quyền của mình, làm cho quyền dân chủ được thấm sâu, lan rộng đến mọi người.
Các chí sĩ như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã dấy lên một phong trào Duy Tân rộng lớn tìm kiếm một con đường đi lên cho dân tộc. Chính quyền thực dân phong kiến hoảng sợ dồn phong trào trong máu lửa. Sự kiện này đánh dấu sự thức tỉnh của dân tộc, đánh dấu một giai đoạn mới khác trước về chất lượng.
Sau kỳ thi hương tại Nam Định năm 1915, Bắc Kỳ ngưng tổ chức các kỳ thi Nho học. Tại Trung Kỳ, các khoa thi hương năm 1918 và thi hội năm 1919 là những khoa thi Nho học cuối cùng. Từ đây, hoàn toàn chuyển qua tân học với hai loại
chữ viết chính thức là Pháp ngữ và Quốc ngữ.
Đây là tiền đề để báo chí Quốc ngữ xuất hiện và thực hiện sứ mệnh văn hóa của nó.
Gia Định Báo là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên trên toàn quốc, phát hành tại Sài Gòn ngày 15/4/1865, mỗi tháng ra 1 số, vào ngày 15 hằng tháng sau khi 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) bị nhượng cho Pháp bằng hòa ước năm 1862. Sau đó, ở Nam Kỳ lần lượt xuất hiện những tờ báo kế tiếp là Nhật Trình Nam Kỳ (1883), Phan Yên Báo (1898), Nông Cổ Mín Đàm (1901), Nhật Báo Tỉnh (1905), Lục Tỉnh Tân Văn (1907), An Hà Báo (1917 ở Cần Thơ), Đại Việt Tạp Chí (1918 ở Long Xuyên), Nữ Giới Chung (1918)...