Bầu không khí chính trị tại Mỹ sôi động hẳn lên khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới rất gần. Không thể phủ nhận cuộc đua vào Nhà Trắng đang là “miếng mồi béo bở” cho các hãng truyền thông ở Mỹ, nhất là truyền hình, để tăng Rating (lượng khán giả theo dõi). Ở chiều ngược lại, các ứng cử viên cũng giành thêm lợi thế khi biết vận dụng truyền thông một cách hiệu quả. Điều này hoàn toàn đúng với trường hợp ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Không có kinh nghiệm về ngoại giao, quốc phòng hay đàm phán các dự án kinh tế, thương mại giữa Mỹ với các nước trên thế giới, bù lại tỷ phú địa ốc Donald Trump đã tạo ra một “cơn sốt truyền thông”, bằng những phát ngôn bị chỉ trích là ngông cuồng.
Yếu tố “người ngoài cuộc” của Donald Trump, người không xuất thân từ giới tinh hoa chính trị Mỹ, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông ngay khi nhà tài phiệt Phố Uôn (Wall Street) lộ diện trên đường đua vào Nhà Trắng. Trong cuộc đua nội bộ hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, khi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary
Clinton còn loay hoay tìm cách thu hút sự quan tâm của người ủng hộ qua kênh báo chí, thì “ông trùm truyền thông” Donald Trump đã thành tâm điểm trên các kênh phát sóng của hầu hết các nhà đài ở Mỹ. Kênh CNN đang trong giai đoạn khó khăn đã lấy lại được lượng khán giả đáng kể nhờ các chương trình liên quan đến Trump. Ngoài CNN, các kênh truyền hình Fox News, MSNBC thường xuyên bám sát “nhất cử nhất động” của ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Sức hút của các chương trình truyền hình có Trump xuất hiện đã giúp tăng Rating và đem đến nhiều hợp đồng quảng cáo cho các nhà đài. Doanh thu từ quảng cáo của NCC đã tăng 45%; và tỷ lệ này của MSNBC là 23%.
Được đánh giá là người luôn biết làm nóng tên tuổi theo những cách tự nhiên và là bậc thày sử dụng loại hình truyền thông truyền thống là truyền hình, tuy nhiên ông cũng không bỏ qua các loại hình đa phương tiện mới. Tài khoản Twitter mang tên Trump có gần 10 triệu người theo dõi, với hơn 32 nghìn bài tính đến thời điểm đầu tháng 8. Các dòng trạng thái của Trump trên mạng xã hội đơn giản
nhưng lại gây ra phản ứng trái chiều. Vì thế, bất kỳ thứ gì được ông Trump đăng trên mạng xã hội Twitter đều được các phương tiện truyền thông cũ nắm bắt và phân tích kỹ lưỡng. Những phát ngôn gây sốc của Trump cũng dễ dàng trở thành hàng tít dài trên trang nhất của các báo lớn ở Mỹ. Phương thức truyền thông Trump áp dụng được giải thích là “gây bão trước, giải thích sau”, vì thế ông không quan tâm dư luận lên án hay ca tụng, mà chỉ hướng tới mục đích duy nhất là có được “hiệu ứng truyền thông”.