khi thanh toán Tín dụng chứng từ
Độc lập với hợp đồng mua bán ngoại thương được ký kết giữa các bên, các ngân hàng tham gia phương thức thanh toán tín dụng chứng từ với tư cách là bên cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, vì vậy, ngân hàng hoàn toàn không bị ràng buộc bởi các tranh chấp liên quan tới tình trạng hàng hoá cũng như các tranh chấp phát sinh xảy ra giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu sau khi người nhập khẩu đã thanh toán tiền cho ngân hàng.
Các quy định ký quỹ L/C cho các doanh nghiệp mở L/C còn giúp ngân hàng phát hành có được một nguồn vốn đáng kể, đặc biệt đối với những trường hợp ký quỹ 100% giá trị L/C sẽ thúc đẩy các hoạt động tín dụng cho vay của ngân hàng như là cho vay xuất nhập khẩu, bảo lãnh, xác nhận v.v… Bởi vì, các doanh nghiệp thường không thể xoay vòng vốn được ngay mà bắt buộc phải vay tại ngân hàng phát hành L/C, một mặt để tiến hành quy trình thanh toán được thuận lợi, mặt khác sẽ tạo được mối quan hệ lâu dài giữa ngân hàng và các doanh nghiệp.
Ngoài ra, thông qua nghiệp vụ thanh toán bằng L/C nên ngân hàng sẽ có một nguồn thu ổn định từ việc mở, sửa đổi, điều chỉnh L/C, phí thông báo, xác nhận L/C. Nhìn vào quy trình thanh toán L/C cho thấy nghiệp vụ thanh toán L/C khá phức tạp, đòi hỏi trình độ nghiệp vụ cao, có thể nói là cao nhất trong các nghiệp vụ ngân hàng, do đó, các khoản phí liên quan khá cao, tạo nên một dịch vụ độc quyền và nguồn thu đáng kể cho ngân hàng.
Tuy nhiên, điều lớn nhất mà phương thức thanh toán L/C mang lại cho ngành ngân hàng là tham gia phương thức này sẽ làm cơ sở để ngân hàng củng cố mối quan hệ với các ngân hàng nước ngoài, từ đó có cơ hội phát triển, quảng bá, mở rộng mạng lưới mang tính toàn cầu. Đồng thời, giúp ngân hàng đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ ngân hàng thông qua các mối quan hệ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và đặc biệt thông qua cạnh tranh để
phát triển chung, nâng cao uy tín và tầm quan trọng trên thị trường tài chính Tín dụng quốc tế.