3.1.2.1. Địa hình
Đặc điểm nổi bật về địa hình của VQG Cát Tiên là ở cuối cùng của dãy Trường Sơn, vùng chuyển tiếp xuống địa hình đồng bằng Nam bộ nên có cả địa hình núi và địa hình đồi, với độ cao tuyệt đối (độ cao so với mặt nước biển) từ 100 m - 670 m chạy thấp dần theo hướng Bắc xuống hướng Nam với nhiều dạng địa hình: vùng núi thấp, vùng đồi cao, vùng đồi trung bình.
3.1.2.2. Thổ nhưỡng
Nền địa chất của VQG Cát Tiên với 3 cấu tạo chính là Trầm tích, Bazal và Sa phiến thạch đã phát triển hình thành 4 loại đất chính:
Đất phát triển trên đất Bazal (Fk): loại đất này có diện tích lớn nhất chiếm gần 60% diện tích tự nhiên của VQG và chủ yếu phân bố ở khu phía Nam của VQG, là loại đất giàu chất dinh dưỡng, đất tốt, sâu, dầy màu đỏ hoặc nâu đỏ và nâu đen. Ở trên đất này rừng phát triển tốt có nhiều loài cây gỗ quý và khả năng phục hồi của rừng cũng nhanh.
Đất phát triển trên đá sét (Fs): Có diện tích không lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam xen kẽ các vạt đất Bazal. Loại đất này có độ phì khá, nhưng thành phần cơ giới nặng nên khi mất rừng thì đất rễ bị thoái hóa một cách nhanh chóng.
Đất phát triển trên phù sa cổ (Fo) và Đất xám bạc màu trên phù sa cổ: gồm các loại đất được bồi tụ ven suối, ven sông Đồng Nai chiếm một diện tích không nhỏ ở khu phía Bắc và phía Đông Nam của VQG Cát Tiên. Phân bố ở nơi địa hình khá bằng phẳng và những vùng trũng bị ngập nước vào mùa mưa. Loại đất này nghèo chất dinh dưỡng, có mực nước ngầm nông nên khá thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây rừng trong mùa khô.