I LẬP LUẬN CỦA KANT
2- Phê phán theo nội dung giai cấp
Tại sao đến Kant mới đề cao ý thức nhiệm vụ đó một cách tuyệt đối, đến nỗi không còn nội dung gì nữa. Sở dĩ Kant đã gạt bỏ tất cả những ưu điểm trước kia đặt ra, là vì với cách mạng tư sản, một hình thức mới trong những quan hệ giữa người với người đã được xây dựng. Đó là hình thức pháp lý đối lập với các quan hệ trước như ban ơn, như quan hệ gia đình, nghĩa hiệp v. v... Với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, quan hệ này đã chấm dứt mọi quan hệ được quy vào một hình
thức chung phổ cập có tính chất duy ý: quan hệ trao đổi hàng hóa. Đây là quan hệ bình đẳng hình thức giữa những người trao đổi không có vấn đề tình cảm cá nhân.
Pháp lý được xây dựng là một hình thức phổ cập gạt bỏ những động cơ trước. Chính cái đó mà tư tưởng tư sản đã lý tưởng hóa trong khái niệm ý thức thuần túy về nhiệm vụ. Tất nhiên, trong thực tế sự trao đổi hàng hóa cũng phải dựa vào động cơ cá nhân, nhưng trong hình thức nó gạt bỏ động cơ cá nhân ấy. Pháp lý mới được lý tưởng hóa trong luân lý của Kant. Nó có tính chất tiến bộ, vì nó đả phá quan niệm cũ: đề cao ý thức nhiệm vụ; nhưng nó duy tâm và phản ánh pháp lý tư sản, đại diện cho quyền lợi giai cấp tư sản dưới hình thức tự do và bình đẳng. Nó có tính chất khô khan, vì nó phản ánh tính chất khô khan của pháp lý tư sản, vì quan hệ sản xuất hàng hóa gạt bỏ động cơ có nội dung tình cảm, đặt quan hệ giữa người và người có tính chất duy lý theo một nguyên tắc tự do và bình đẳng. Cái bình đẳng tự do này có phần chân chính, nó đã đả phá phong kiến, bảo đảm một phần nào quyền lợi nhân dân, nhưng trên hình thức thôi; còn nội dung là quyền lợi của giai cấp tư sản. Đó chính là nội dung luân lý của Kant. Trong phạm vi của Kant, mâu thuẫn được giải quyết như thế nào? Khi Kant đề ra quyền tự do tuyệt đối của lý tính con người, thì lại có mâu thuẫn giữa quyền tự do tuyệt đối ấy và thế giới quan quy luật tính của khoa học mới mà Kant đã thiết lập trong cuốn phê phán lý tính thuần túy.
Theo Kant, mọi vật đều theo quan hệ nhân quả, và nằm trong những hình thức tiên nghiệm không gian và thời gian. Chúng ta chỉ có thể biết thế giới tự nhiên ấy thôi. Với cuốn «Phê phán lý tính thực tiễn», hình như lại xuất hiện một thế giới quan luân lý mới có một quyền tự do tuyệt đối, có một mệnh pháp tuyệt đối chống lại tự
nhiên (quyền lợi và tình cảm). Kant tìm cách giải quyết mâu thuẫn này bằng thẩm
mỹ học.