+ Mối liên quan giữa vị trí u, kích thước u và đặc điểm xâm nhập và/hoặc di căn.
Chúng tôi không nhận thấy mối liên quan nào giữa vị trí u trên tụy, kích thước u và tình trạng có hay không có xâm nhập và/hoặc di căn nói chung (p=0,182; p=0,104).
Ngay trong cùng một type UTBM tuyến ống (n=41), chúng tôi cũng không nhận thấy sự khác biệt giữa các nhóm kích thước u và đặc tính xâm nhập và/hoặc di căn (p=0,296).
Thường thì, đối với các ung thư nói chúng, kích thước u càng lớn, khả năng xâm nhập, di căn càng cao. Có sự khác biệt này có thể do cỡ mẫu của chúng tôi chưa đủ lớn.
+ Mối liên quan giữa giới hạn đại thể và tình trạng xâm nhập, di căn.
Các u có vỏ có tỷ lệ xâm nhập và/hoặc di căn thấp hơn các u không có vỏ (p= 0,039). Theo Ralph H. Hruban và CS, một số u có vỏ như u nguyên bào tụy, UTBM tuyến nhày không thuộc nang , có tỷ lệ xâm nhập và di căn khá thấp [54]. Hơn nữa, đây cũng là đặc điểm của các khối u nói chung.
+ Mối liên quan giữa type mô học và xâm nhập, di căn.
Chúng tôi nhận thấy 39/45trường hợp u có xâm nhập và/ hoặc di căn (86,7%); trong đó 37/39 trường hợp ung thư biểu mô tuyến ống có xâm nhập và/ hoặc di căn (94,9%), hai trường hợp còn lại là UTBM đặc giả nhú, UTBM tuyến nang thanh dịch.
Qua tìm hiểu mối liên quan giữa type mô học và đặc tính xâm nhập thần kinh, mạch và di căn hạch trong ung thư tụy, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt về đặc tính xâm nhập thần kinh của UTBM tuyến ống và các type khác (p=0,03), cụ thể là toàn bộ các trường hợp có xâm nhập thần kinh đều có chẩn đoán là UTBM tuyến ống và 4 trường hợp không phải UTBM tuyến ống không thấy xâm nhập thần kinh. Mặt khác, không có sự khác biệt giữa UTBM tuyến ống và các type ung thư còn lại về đặc tính xâm nhập mạch, di căn hạch. Không có sự khác biệt giữa các biến thể của UTBM tuyến ống về đặc tính di căn hạch (p=0,222).
Theo Federica Marchesi và CS (2008), tế bào ung thư biểu mô tuyến ống của tụy bộc lộ ái tính với tế bào thần kinh thông qua receptor CX3CR1 mà tế bào ống tụy bình thường không có [25], điều này giải thích tại sao một tỷ lệ lớn các khối UTBM tuyến ống của tụy có xâm nhập thần kinh.
+ Mối liên quan giữa xâm nhập thần kinh và xâm nhập mạch, di căn hạch.
Takahashi và CS (1997) đã báo cáo rằng, xâm nhập quanh thần kinh có thể liên quan đến cấu trúc mạch phân phối cho thần kinh đó và cấu trúc hệ thống bạch mạch quanh dây thần kinh. Vì vậy, xâm nhập quanh thần kinh của các tế bào ung thư không chỉ theo con đường xâm nhập trực tiếp mà còn bởi đường bạch mạch và tĩnh mạch. Seki và CS (1993) đã phát hiện ra dấu hiệu liên quan giữa xâm nhập quanh thần kinh và xâm nhập bạch mạch của ung thư đường mật. Mặt khác, Takahashi và CS cũng nhận thấy sự có mặt hay vắng mặt của hiện tượng xâm nhập đám rối thần kinh có thể dính líu tới sự di căn ung thư đến các hạch gần đó (trích dẫn bởi Bin Liu và Kui-Yang Lu, 2002) [19].
Nagakawa và CS (1992) cũng phát hiện ra rằng mức độ xâm nhập thần kinh có khuynh hướng làm tăng xâm nhập bạch mạch, nhưng sự xâm nhập
thần kinh lại phát triển ở vị trí ít khác biệt với xâm nhập bạch mạch (trích dẫn bởi Bin Liu và Kui-Yang Lu, 2002) [19].
Qua tìm hiểu mối liên quan giữa xâm nhập thần kinh với xâm nhập mạch máu, xâm nhập hạch lympho, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) giữa các nhóm u có hay không có xâm nhập thần kinh về đặc tính di căn hạch. Tuy nhiên, không có sự khác biệt giữa các nhóm u này về đặc tính xâm nhập mạch.