Là một u biểu mô ác tính, thường gặp ở trẻ nhỏ, tỷ lệ mắc ở nam cao hơn nữ (nam: nữ = 1,3:1). U bao gồm các ổ đặc ranh giới rõ ràng với tế bào với dạng nang hoặc dạng vảy, bao quanh bởi một dải mô đệm xơ. Biệt hóa nang thường chiếm ưu thế, đi kèm biệt hóa các thành phần nội tiết hay ống ở các mức độ thấp hơn [58, 30].
- Đại thể: u nằm ở vùng đầu tụy chiếm khoảng 50%, còn lại chia đều cho vùng thân và đuôi tụy. Kích thước u thay đổi từ 1,5-20 cm. Hầu hết u đơn độc, đặc với dạng thùy, ranh giới rõ, được bọc quanh bởi vòng xơ. Có thể có vùng hoại tử. Một dạng u không phổ biến là loại nang lớn.
- Vi thể: mô u gồm thành phần biểu mô giầu tế bào và sắp xếp thành đám ranh giới rõ, được bọc ngoài bởi mô đệm xơ, tạo nên sự “khoanh vùng” trên kính hiển vi ở độ phóng đại thấp; vùng đặc – tăng sinh tế bào gồm các ổ tế bào hình đa diện xen kẽ các vùng biệt hóa nang (các tế bào nang tạo cấu trúc lòng ống nhỏ với tính chất phân cực rõ ràng). Hoạt động nhân chia thường thấp.
+ Các tiểu thể dạng vẩy: Một trong những đặc trưng của u nguyên bào tụy. Đó là các cấu trúc thay đổi từ dạng vòng xoắn của các tế bào dạng biểu mô hình thoi đến các đảo tế bào vảy sừng hóa thật sự. Hạt nhân tế bào của các tiểu thể dạng vẩy lớn và giống hình bầu dục hơn các tế bào xung quanh. Có thể gặp nhân sáng và tích lũy biotin.
+ Mô đệm: Trong các trường hợp bệnh thuộc nhi khoa, mô đệm của u nguyên bào tụy thường giầu tế bào. Hiếm khi, có sự có mặt của thành phần mô đệm dị loại, bao gồm các khối u xương, sụn.
- Nhuộm HMMD: mô u dương tính với các enzyme của tụy (vùng nang), CEA và mucin trong chất tiêt ở lòng của các nang nhỏ, AFP (18%), keratin. Nhuộm âm tính: các dấu ấn thần kinh – nội tiết.