- Tuổi: phân làm 4 nhóm
4.1.3. Nhu cầu sử dụng dịch vụ KCB/người/năm
Theo số liệu nghiên cứu của chúng tôi, nhu cầu sử dụng dịch vụ KCB/người/năm là 2,33 lần, cao hơn Báo cáo Y tế Việt Nam 2006[1], mỗi năm bình quân một người có 1,5 đợt ốm. Điều này cho thấy áp lực về nhu cầu CSSK của người dân trong địa bàn rất cao, hàng năm ngành y tế huyện Phú Tân phải đáp ứng cho trên 250 ngàn lượt khám, chữa bệnh của người dân.
Nhu cầu CSSK có sự khác nhau, tuỳ theo đối tượng khám. Theo nghiên cứu tổng quan ngành Y tế Việt Nam[2], có sự khác biệt trong sử dụng dịch vụ y tế giữa các nhóm dân: phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi có số lần sử dụng DVYT/người/năm lớn hơn nam giới (11,3 so với 9,3). Trong khi đó, kết quả của chúng tôi lại cho thấy, số lần sử dụng DVYT giữa nam và nữ bằng nhau (bảng 3.9). Nói cách khác, nhu cầu sử dụng dịch vụ KCB giữa nam và nữ không có sự khác biệt (bảng 3.2). Tuy nhiên, xét về nhóm tuổi thì kết quả của chúng tôi lại cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về nhu cầu sử dụng DVYT theo nhóm tuổi. Tuổi càng cao nhu cầu sử dụng DVYT càng nhiều. Ở nhóm >60 tuổi nhu cầu KCB >3 lần/năm là 54,55%; trong khi nhóm 18 – 30 tuổi chỉ 12,40% (bảng 3.2). Điều này hoàn toàn phù hợp với sinh lý tự nhiên, tuổi càng cao số lần mắc bệnh càng nhiều. Kết quả này cũng phù hợp với Báo cáo Y tế Việt Nam 2006[1]: trong một năm trẻ em bị ốm trung bình 7 ngày, thanh niên chỉ ốm 3,8 ngày, nhưng đối với người 85 tuổi trở lên là 25 ngày.
Về nghề nghiệp: so với các đối tượng khác, nông dân có nhu cầu sử dụng DVYT cao nhất 4,26 lần (bảng 3.12). Điều này do nông dân là đối tượng chiếm đại đa số tại huyện Phú Tân: 74,57% (bảng 3.1). Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy nhóm không có nghề nghiệp ổn định (nghề tự do) có nhu cầu KCB khá cao 0,93 lần (bảng 3.12), đứng hàng thứ hai. Đây là nhóm dễ bị ảnh hưởng kinh tế gia đình nhất nếu họ bị ốm đau. Trong khi đó, nhóm cán
bộ/viên chức đều có BHYT, nhưng lại có nhu cầu sử dụng dịch vụ KCB thấp nhất chỉ 0,33 lần/người/năm.
Về trình độ học vấn: theo Báo cáo Y tế Việt Nam 2006[1], tỷ lệ biết chữ chung của Việt Nam năm 2004 là 93%. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ này là 95,8% (bảng 3.1). Tương đương với nghiên cứu của Nguyễn Văn Tĩnh[26], tỷ lệ biết chữ chung là 95,5%. Qua khảo sát chúng tôi thấy rằng, nhu cầu KCB của người dân có khác nhau. Nếu như nhu cầu sử dụng dịch vụ KCB 1 – 3 lần/năm cao nhất ở nhóm CĐ/ĐH (71,05%), thì số KCB >3lần/năm cao nhất thuộc nhóm tiểu học (36,85%) – bảng 3.2. Tỷ lệ trình độ học vấn này có ảnh hưởng đến nhu cầu KCB của người dân. Nên có nghịch lý là trình độ học vấn càng cao, nhu cầu KCB/năm càng giảm. Điều này có thể là do sự chủ quan; do sự tự kiểm soát sức khoẻ tốt, nên ít bệnh tật.
Về điều kiện địa lý: trong nghiên cứu, chúng tôi phân huyện Phú Tân thành 3 vùng: trung tâm huyện, gần trung tâm và xa trung tâm. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng: càng xa trung tâm huyện lỵ thì số lần KCB của người dân càng giảm. Cụ thể (bảng 3.14): Số lần KCB/người/năm ở vùng trung tâm huyện là 2,35 lần, vùng gần trung tâm là 1.85 lần và vùng xa trung tâm chỉ là 1,80 lần. Điều này có thể lý giải là, khi ở xa trung tâm huyện lỵ thì điều kiện phương tiện đi lại càng khó khăn, đồng thời mật độ CSYT càng ít, nên số lần KCB càng giảm, mà người dân sẽ tập trung vào các dịch vụ khác hay tự mua thuốc về điều trị.
Về điều kiện kinh tế: có thể khẳng định rằng phát triển kinh tế là một điều kiện quan trọng để phát triển con người trong đó có phát triển sức khoẻ. Theo nghiên cứu tổng quan ngành Y tế Việt Nam, có sự khác biệt lớn về nhu cầu KCB giữa các nhóm thu nhập khác nhau: số lần sử dụng DVYT/người/năm ở nhóm nghèo là 2,4 lần, thì số liệu tương ứng ở nhóm giàu là 4,6 lần[2]. Trong
nghiên cứu của chúng tôi, sự khác nhau này thậm chí còn cao hơn. Bảng 3.15 cho thấy nhóm hộ nghèo có số lần sử dụng dịch vụ KCB/người/năm là 0,25 lần, trong khi đó, cũng số liệu này ở nhóm kinh tế gia đình không nghèo là 5,74 lần. Như vậy, nhóm hộ gia đình kinh tế nghèo có nhu cầu KCB ít hơn nhóm hộ gia đình không nghèo. Điều này phù hợp, bởi những người có điều kiện kinh tế tốt, đương nhiên họ sẽ quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ, nên có số lần sử dụng dịch vụ KCB nhiều hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (χ2=2,6; P>0,05) - bảng 3.23.