- Tuổi: phân làm 4 nhóm
4.1.2. Tỷ lệ sử dụng theo từng loại hình dịch vụ KCB
Tuy Phú Tân là huyện thuộc vùng nông thôn của tỉnh Cà Mau, nhưng nhìn chung, sự phát triển của các loại hình DVYT khá tương đồng, đặc biệt y tư nhân có một lợi thế là nơi người dân có thể tiếp cận sớm nhất. Có lẽ vì thế, mà trong nghiên cứu của chúng tôi, người dân sử dụng dịch vụ y tư nhân chiếm tỷ lệ cao nhất với 24,94% (bảng 3.7). Tỷ lệ này cao hơn theo Báo cáo Y tế Việt Nam 2006[1] là 17,6%.
Bên cạnh đó, 2 loại hình dịch vụ y tế công là trạm y tế và bệnh viện huyện người dân sử dụng bằng nhau 16,66% (bảng 3.7). Trong khi đó, kết quả của báo cáo Y tế Việt Nam 2006[1] là 20%; và kết quả của một nghiên cứu ở Hải Phòng[14] là 44%. Điều này nói lên, trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nhà nước, y tế tuyến huyện, xã là nơi người dân tiếp cận chủ yếu khi bị ốm đau. Trong nhiều năm qua, công tác KCB ở tuyến huyện, xã được thực hiện khá tốt, giải quyết một phần gánh nặng cho tuyến trên, và đã đem lại hiệu quả cao trong đẩy lùi bệnh tật, xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội.
Mặt khác, loại hình dược tư nhân cũng được người dân sử dụng đáng kể 10,37% (bảng 3.7). Chính vì thế theo khảo sát của chúng tôi có 19,75% người dân trả lời rằng họ tự mua thuốc về điều trị khi bị bệnh. Tỷ lệ này cao hơn nghiên cứu ở Hải Phòng[14] là 17,9%, nhưng thấp hơn một nghiên cứu ở 28 xã rải trên 7 vùng sinh thái từ Quảng Ninh đến Cần Thơ của Trương Việt Dũng năm 2001 là 39,7%, trong đó nhóm nghèo có xu hướng sử dụng cách này nhiều hơn nhóm giàu[10], và cũng thấp hơn rất nhiều so với Báo cáo Y tế Việt Nam 2006 [1] là 72,6% số lượt người ốm tự mua thuốc chữa bệnh.