Hàm ý chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 59 - 61)

Dựa vào kết quả nghiên cứu định lượng, tác giả đưa ra một số khuyến nghị chính sách như sau:

Về việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu về vốn theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế

Vì cấu trúc vốn, đại diện bởi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn, có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng, các ngân hàng nên lựa chọn phương án phát hành thêm cổ phần trong nước hoặc nước ngoài, tăng vốn góp từ các cổ đông chiến lược hoặc chủ động giữ lại lợi nhuận nhằm gia tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn, dẫn đến gia tăng lợi nhuận. Nên hạn chế việc vay nợ vì tăng nợ sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Việc tăng vốn chủ sở hữu trong cấu trúc vốn đã được các ngân hàng thực hiện trong thời gian qua như Vietcombank, Vietinbank (bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài năm 2012, 2013), BIDV (bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu năm 2013). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng gọi vốn bằng phát hành trái phiếu đang gia tăng khi hầu hết các ngân hàng Vietinbank, BIDV, HD Bank, VIB, … đều lựa chọn phát hành trái phiếu trong năm 2017, 2018. Lý giải cho xu hướng tăng vốn bằng phát hành trái phiếu gần đây, Minh Phương (2018) cho rằng, phát hành trái phiếu là một biện pháp khá hiệu quả để các ngân hàng tăng vốn nhằm đáp ứng các quy định theo chuẩn mực Basel II với thời gian ngắn, chi phí thấp trong khi việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn sẽ dẫn đến nguy cơ pha loãng cổ phiếu. Hơn nữa, khi thị trường chứng khoán đang biến động mạnh như hiện nay, việc phát hành cổ phiếu cũng không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với việc phát hành trái phiếu để gọi vốn, các ngân hàng đang tăng tỷ lệ nợ trong cấu trúc vốn của mình. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, tác giả tin rằng biện pháp tăng vốn bằng nợ chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các ngân hàng cần phải tăng vốn chủ sở hữu mới có thể phát triển bền vững.

Về việc gia tăng hiệu quả hoạt động

Chính vì cấu trúc vốn có tác động cùng chiều đến tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, các ngân hàng TMCP Việt Nam nên duy trì một cấu trúc vốn hợp lý, trong đó nên gia tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn để tăng hiệu quả hoạt động.

Kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô ngân hàng có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động, cụ thể là tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu nên các ngân hàng nên tăng quy mô để có thể tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô. Việc tăng quy mô tài sản cũng giúp ngân hàng có thể đa dạng hoá các hoạt động tài chính, đưa ra nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ, từ đó đạt được nhiều lợi thế trong cạnh tranh. Tuy nhiên, tăng quy mô tài sản nên xuất phát từ tăng vốn chủ sở hữu, hạn chế việc vay nợ. Ngoài ra, các ngân hàng khi tăng quy mô cần chú ý đến phát triển nguồn nhân lực có

số lượng và trình độ tương ứng, có khả năng quản lý tốt rủi ro, đồng thời ban lãnh đạo phải có năng lực quản trị điều hành tốt để quản lý tốt nguồn nhân lực, tránh tình trạng gặp rủi ro về con người.

Tỷ lệ tiền gửi có tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Chính vì tỷ lệ tiền gửi tăng làm tăng chi phí đai diện của vốn bên ngoài, dẫn đến lợi nhuận thấp hơn nên giảm tỷ lệ tiền gửi là việc cần thiết để gia tăng hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Tuy nhiên, tín dụng luôn là hoạt động mang lại nguồn thu nhập chính và chủ yếu đối với hầu hết các ngân hàng TMCP Việt Nam, nên các ngân hàng vẫn chạy đua huy động vốn để đảm bảo có nguồn tài trợ cho các hoạt động tín dụng. Việc chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng, mở rộng các hoạt động dịch vụ nhằm đa dạng hoá nguồn thu sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, từ đó giảm áp lực huy động vốn cho các ngân hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)