Tổng quan các nghiên cứu trước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 29 - 36)

Tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng đã được nhiều tác giả trên thế giới nghiên cứu và đưa ra các kết luận khác nhau.

Athanasoglou và cộng sự (2008) nghiên cứu về các nhân tố tác động đến lợi nhuận của ngân hàng, sử dụng dữ liệu của các ngân hàng Hy Lạp giai đoạn 1985 – 2001 và áp dụng các mô hình hồi quy FEM, REM và GMM. Trong bài nghiên cứu, tác giả sử dụng biến phụ thuộc là tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE), trong khi biến độc lập là các nhân tố nội tại của ngân hàng như cấu trúc vốn, rủi ro tín dụng, quy mô, …; các nhân tố ngành như hình thức sở hữu (tư nhân, nhà nước), mức độ tập trung thị trường; các nhân tố kinh tế vĩ mô như lạm phát kỳ vọng, chu kỳ kinh doanh. Kết quả thực nghiệm cho thấy cấu trúc vốn có tác động cùng chiều với lợi nhuận ngân hàng, cụ thể là khi tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản thì lợi nhuận của ngân hàng tăng.

Bandt và cộng sự (2014) nghiên cứu tác động của cấu trúc vốn đến lợi nhuận của ngân hàng, sử dụng mẫu quan sát gồm 17 ngân hàng ở Pháp giai đoạn 1993 – 2012, áp dụng mô hình FEM với biến phụ thuộc là tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) và các biến độc lập gồm cấu trúc vốn ngân hàng, mức độ đa dạng hoá tài sản, tỷ lệ tiền gửi, thị phần tín dụng, rủi ro danh mục, tỷ số thanh khoản. Bài nghiên cứu cho thấy cấu trúc vốn có quan hệ cùng chiều với lợi nhuận của ngân hàng, cụ thể là khi tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản sẽ làm cho tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu tăng.

Nanceur và Goaied (2008) trong bài nghiên cứu các nhân tố tác động đến lãi cận biên và lợi nhuận của ngân hàng, sử dụng dữ liệu là các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 1980 – 2000. Bài nghiên cứu sử dụng mô hình FEM và REM, với các biến phụ

thuộc là tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) và tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng, biến độc lập bao gồm biến bên trong ngân hàng như cấu trúc vốn, tỷ lệ cho vay, quy mô, … và biến bên ngoài ngân hàng như tốc độ tăng trưởng GDP thực bình quân đầu người, mức độ tập trung của ngân hàng, loại hình sở hữu, … Bài nghiên cứu cho thấy cấu trúc vốn (cụ thể là tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản) có tác động dương đến lợi nhuận của ngân hàng.

Berger và Patti (2006) khi nghiên cứu tác động của cấu trúc vốn lên hiệu quả hoạt động của ngân hàng có tính đến tác động ngược lại của hiệu quả hoạt động đến cấu trúc vốn của ngân hàng. Các tác giả sử dụng khả năng sinh lời như chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của ngân hàng, kiểm tra thuyết chi phí đại diện trong lĩnh vực ngân hàng có tính đến cấu trúc sở hữu, các nhân tố bên trong (quy mô, cấu trúc vốn, …) và bên ngoài ngân hàng (mức độ tập trung thị trường, quy định khác). Sử dụng mẫu nghiên cứu gồm 7.320 quan sát từ các ngân hàng Mỹ giai đoạn 1990 – 1995, áp dụng mô hình bình phương bé nhất (OLS) và bình phương bé nhất hai giai đoạn (2SLS), bài nghiên cứu cho thấy cấu trúc vốn có tác động ngược chiều đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, cụ thể khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản giảm 1% thì ROE tăng 6%. Phát hiện này phù hợp với lý thuyết chi phí đại diện, kết quả có ý nghĩa về mặt thống kê và kinh tế.

Trujillo – Ponce (2013) trong bài nghiên cứu các nhân tố tác động đến lợi nhuận của ngân hàng, sử dụng dữ liệu là các ngân hàng Tây Ban Nha giai đoạn 1999 – 2009. Bài nghiên cứu sử dụng mô hình S-GMM với các biến phụ thuộc là tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE), biến độc lập gồm cấu trúc vốn, tỷ lệ cho vay, quy mô ngân hàng, chất lượng tài sản, tỷ lệ dự phòng tín dụng trên tổng nợ, ... Bài nghiên cứu tìm thấy mối quan hệ cùng chiều giữa cấu trúc vốn với tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản nhưng lại thấy mối quan hệ ngược chiều giữa cấu trúc vốn với tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Dietrich và Wanzenried (2011) xem xét các nhân tố tác động đến lợi nhuận của ngân hàng (cụ thể là tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần bình quân (ROAE)), với mẫu nghiên cứu là 453 ngân hàng ở Thuỵ Sỹ trong giai đoạn 1999 – 2008, chia làm hai giai đoạn trước khủng hoảng và trong khủng hoảng 2007 – 2008. Bài nghiên cứu áp dụng mô hình GMM với biến độc lập là các biến bên trong ngân hàng gồm cấu trúc vốn, tỷ lệ chi phí trên thu nhập, chất lượng tín dụng, tốc độ tăng trưởng tiền gửi, quy mô ngân hàng, … và các biến bên ngoài ngân hàng như tốc độ tăng trưởng GDP thực, thuế suất, … Kết quả nghiên cứu cho thấy cấu trúc vốn có tác động cùng chiều lên tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân nhưng lại tác động ngược chiều lên tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu bình quân.

Hoffmann (2010) khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa cấu trúc vốn với hiệu quả hoạt động của ngân hàng, đã sử dụng mẫu quan sát là các ngân hàng ở Mỹ giai đoạn 1995 – 2007, áp dụng mô hình GMM với biến phụ thuộc là tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng (ROE) và biến độc lập bao gồm cấu trúc vốn, quy mô, mức độ tập trung thị trường, khả năng cho vay của ngân hàng, chi phí lãi vay, chứng khoán đầu tư, rủi ro ngân hàng, lãi suất chiết khấu, chỉ số NASDAQ ngân hàng và danh tiếng ngân hàng. Kết quả thu được cho thấy một mối quan hệ không đơn điệu giữa cấu trúc vốn và hiệu quả hoạt động của ngân hàng, cụ thể là khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của ngân hàng tăng lên đến ngưỡng 41,35% thì mối quan hệ giữa cấu trúc vốn và lợi nhuận của ngân hàng là ngược chiều, tuy nhiên khi vượt qua ngưỡng này, mối quan hệ này là cùng chiều. Như đã nói ở trên, Hoffmann (2010) giải thích mối quan hệ này dựa trên hai giả thuyết: Giả thuyết rủi ro – hiệu quả và giả thuyết giá trị nhượng quyền.

Al – Kayed và cộng sự (2014) trong bài nghiên cứu về mối quan hệ giữa cấu trúc vốn với hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Hồi giáo, sử dụng mẫu quan sát là 85 ngân hàng Hồi giáo tại 19 quốc gia, giai đoạn 2003 – 2008. Bài nghiên cứu áp dụng mô hình 2SLS, với biến phụ thuộc gồm tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần (ROE), tỷ suất

sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROA), tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) và lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản và biến độc lập gồm cấu trúc vốn, tỷ lệ cho vay, quy mô, chi phí cố định/tổng tài sản, tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, chỉ số vốn hoá thị trường, thuế, mức độ tập trung thị trường, thị phần ngân hàng, … Tương tự Hoffmann (2010), bài nghiên cứu tìm ra mối quan hệ không đơn điệu giữa cấu trúc vốn với hiệu quả hoạt động của ngân hàng, cụ thể là khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của ngân hàng thấp hơn 37,41% thì tác động của cấu trúc vốn lên ROE của ngân hàng là ngược chiều, nhưng khi tỷ lệ này vượt 37,41% thì mối quan hệ trên là cùng chiều.

Tại Việt Nam, một số nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đo lường tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng TMCP như sau:

Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2014) khi nghiên cứu về các yếu tố tác động đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam đã sử dụng số liệu thu thập từ báo cáo tài chính của 22 NHTM Việt Nam giai đoạn 2007 – 2013. Bài nghiên cứu áp dụng phương pháp S-GMM, với biến phụ thuộc là tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) và biến độc lập là cấu trúc vốn (tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản), tỷ lệ cho vay/tổng tài sản, chất lượng tài sản (tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ), cấu trúc tài trợ (tỷ lệ tiền gửi khách hàng/tổng nợ phải trả), hiệu quả hoạt động (tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động), quy mô, đa dạng hoá thu nhập, tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Kết quả nghiên cứu cho thấy cấu trúc vốn có mối tương quan nghịch đối với khả năng sinh lời của ngân hàng.

Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013) nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam, sử dụng mô hình hồi quy Tobit dựa trên số liệu của 39 ngân hàng TMCP Việt Nam giai đoạn 2005 – 2012. Trong bài nghiên cứu này, các tác giả lựa chọn các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng bao gồm cấu trúc vốn (tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản), loại hình ngân hàng, tổng chi phí trên tổng doanh thu, tỷ lệ tiền gửi trên số tiền cho vay, thị phần ngân hàng, tỷ lệ vốn cho vay so với tổng tài sản trong khi sử dụng tỷ suất sinh lợi

trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) làm biến đại diện cho hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cấu trúc vốn có ảnh hưởng tích cực lên ROA nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực lên ROE. Các tác giả kết luận rằng, tỷ lệ vốn hoá càng cao thì lợi nhuận trên tổng tài sản càng cao, nhưng lại làm lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm.

Bảng 2.1: Tổng hợp kết quả của các nghiên cứu thực nghiệm

STT Tác giả

nghiên cứu Dữ liệu nghiên cứu

hình

định lượng

Chiều hướng tác động của cấu trúc vốn lên hiệu quả hoạt động của ngân hàng 1 Athanasoglou và cộng sự (2008) Các ngân hàng ở Hy Lạp giai đoạn 1985 – 2001 FEM, REM, GMM + (ROA) + (ROE) 2 Bandt và cộng sự (2014) 17 ngân hàng Pháp giai đoạn 1993 - 2012 FEM + (ROE) 3 Nanceur và Goaied (2008) Các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 1980 – 2000

FEM, REM + (ROA)

4 Berger & Patti (2006) 7.320 quan sát là các ngân hàng của Mỹ giai đoạn 1990 - 1995 OLS, 2SLS - (ROE) 5 Trujillo – Ponce (2013) Các ngân hàng Tây Ban Nha giai đoạn 1999 – 2009

S-GMM + (ROA)

6

Dietrich và Wanzenried (2011)

453 ngân hàng ở Thuỵ Sỹ trong giai đoạn 1999 – 2008 GMM + (ROAA) - (ROAE) 7 Hoffmann (2010) Các ngân hàng Mỹ giai đoạn 1995 – 2007 GMM -/+ Tồn tại ngưỡng 41,35% của tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn, vượt qua ngưỡng đó thì chiều hướng tác động sẽ thay đổi 8 Al-Kayed và cộng sự (2014) 85 ngân hàng Hồi Giáo tại 19 quốc gia, giai đoạn 2003 – 2008 2SLS -/+ Tồn tại ngưỡng 37,41% của tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn, vượt qua ngưỡng đó thì chiều hướng tác động sẽ thay đổi 9 Hồ Thị Hồng Minh & Nguyễn Thị Cành (2014) 22 NHTM Việt Nam giai đoạn 2007 – 2013 SGMM - (ROA) - (ROE) 10 Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013) 39 NHTM Việt Nam giai đoạn 2005 – 2012

Hồi quy Tobit

+ (ROA) - (ROE)

Kết luận chương 2

Chương 2 đã giới thiệu tổng quan một số lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm về tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Việc tồn tại nhiều quan điểm trái chiều về tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng đòi hỏi nghiên cứu thực nghiệm để tìm ra câu trả lời tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng TMCP Việt Nam là như thế nào. Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu về tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng sẽ được giới thiệu ở chương sau.

CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Chương này sẽ giới thiệu lần lượt về cơ sở dữ liệu, mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu nhằm tìm ra tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 29 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)