Tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 26 - 29)

Như đã nói ở trên, tác động của cấu trúc vốn lên hiệu quả hoạt động của ngân hàng hiện tại đã được nhiều tác giả trên thế giới và trong nước nghiên cứu và đưa ra các quan điểm trái chiều.

Quan điểm thứ nhất: Cấu trúc vốn có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Berger (1995) cho rằng có hai hướng giải thích cho mối quan hệ cùng chiều giữa cấu trúc vốn với lợi nhuận của ngân hàng. Hướng giải thích thứ nhất dựa trên giả thuyết chi phí phá sản kỳ vọng (expected bankruptcy costs hypothesis). Theo đó, khi ngân hàng có tỷ lệ nợ vay cao và vượt quá mức sử dụng nợ vay tối ưu thì sẽ làm tăng chi phí phá sản kỳ vọng do các yếu tố bên ngoài gây ra. Khi đó, ngân hàng sẽ phải tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn để làm giảm chi phí phá sản do việc sử dụng nợ quá nhiều. Từ đó lợi nhuận cũng như hiệu quả kinh doanh của ngân hàng sẽ tăng lên. Hướng giải thích thứ hai dựa trên giả thuyết tín hiệu (signaling hypothesis). Khi

loại bỏ giả định thông tin cân xứng của lý thuyết M&M, các nhà quản lý được cho là có thông tin riêng về dòng tiền của ngân hàng trong tương lai. Các nhà quản lý có thể báo hiệu thông tin này thông qua các quyết định cấu trúc vốn (Myers và Majluf, 1984). Kết quả là, một trạng thái cân bằng tín hiệu tồn tại trong các ngân hàng có kỳ vọng hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai sẽ có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao hơn. Những thông tin nội bộ có thể tồn tại ở nhiều dạng và chủ yếu thể hiện kỳ vọng của các nhà quản lý về doanh thu, chi phí hoặc rủi ro trong tương lai tốt hơn là những người bên ngoài ngân hàng.

Ngoài ra, theo Bandt và cộng sự (2014), ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn càng lớn thì càng tăng nguy cơ tổn thất nếu việc quản lý không chặt chẽ và hiệu quả. Vì cổ đông là những người phải chịu rủi ro tổn thất nhiều hơn, họ sẽ yêu cầu cao hơn trong việc giám sát hoạt động của ngân hàng. Chính vì vậy, khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu tăng sẽ làm lợi nhuận của ngân hàng tăng lên thông qua kênh giám sát.

Quan điểm thứ hai: Cấu trúc vốn có tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Như đã nói ở trên, ở mức đòn bẩy thấp, việc gia tăng đòn bẩy có thể làm giảm chi phí đại diện của vốn cổ phần từ bên ngoài và gia tăng giá trị doanh nghiệp. Berger và Patti (2006) đã tiến hành kiểm tra và kết luận rằng lý thuyết chi phí đại diện vẫn áp dụng được trong lĩnh vực ngân hàng. Điều này có thể lý giải tác động ngược chiều của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Ngoài ra, theo Hart và Moore (1995), nợ vay buộc lãnh đạo ngân hàng phải đưa ra những quyết định hiệu quả để hoàn trả được gốc và lãi. Ngoài ra, nợ vay cũng có những lợi thế nhất định so với vốn chủ sở hữu về đối xứng thông tin. Nhà quản lý doanh nghiệp khi đi vay luôn phải tiết lộ thông tin về phát triển doanh nghiệp cho những nhà đầu tư bên ngoài như một cách đảm bảo cho sự tin tưởng của nhà đầu tư về khả năng trả nợ sau này. Tuy nhiên, nợ vay của ngân hàng khác với nợ vay của doanh

nghiệp vì phần lớn nợ phải trả của ngân hàng đến từ huy động trong dân cư và tổ chức kinh tế - những người không có động lực hoặc chuyên môn để giám sát ngân hàng (Dewatripont và Tirole, 1994). Khác biệt này dường như là một thuận lợi đối với ngân hàng.

Quan điểm thứ ba: Cấu trúc vốn có mối quan hệ không đơn điệu đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Giải thích cho quan điểm gia tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn có tác động không đơn điệu đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng, có thể dựa trên lý thuyết chi phí đại diện đã đưa ra ở trên. Như đã chỉ ra bởi Jensen và Meckling (1976), hiệu quả của đòn bẩy trên tổng chi phí đại diện dự kiến sẽ không đơn điệu. Vì vậy, ở mức thấp của đòn bẩy (tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn cao), tăng nợ sẽ khuyến khích người quản lý giảm chi phí đại diện của nợ, và do đó tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, tại một số điểm mà sự phá sản và kiệt quệ tài chính dễ xảy ra hơn, các chi phí phá sản và chi phí đại diện không đối xứng áp đảo chi phí vốn chủ sở hữu, do đó tăng thêm đòn bẩy (tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp hơn) dẫn đến tổng chi phí đại diện cao hơn và lợi nhuận thấp hơn.

Ngoài ra, Berger và Patti (2006) lý giải mối quan hệ không đơn điệu giữa cấu trúc vốn với hiệu quả hoạt động của ngân hàng dựa trên tác động ngược lại giữa hiệu quả hoạt động đến cấu trúc vốn của ngân hàng dựa trên hai giả thuyết. Giả thuyết rủi ro – hiệu quả (efficiency - risk hypothesis) và giả thuyết giá trị nhượng quyền (franchise - value hypothesis). Giả thuyết rủi ro - hiệu quả phát biểu rằng những công ty hoạt động hiệu quả (tức là có tỷ suất sinh lời cao) sẽ chọn tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn thấp, vì lợi nhuận kỳ vọng cao hơn từ hiệu quả lợi nhuận cao hơn có thể thay thế vốn cổ phần một mức độ nào đó trong việc bảo vệ ngân hàng khỏi những bất lợi và rủi ro vỡ nợ (Athanasoglou và cộng sự, 2008). Trong khi đó, giả thuyết giá trị nhượng quyền cho rằng những công ty có hiệu quả kinh doanh cao sẽ có xu hướng chọn tỷ lệ

vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn cao để bảo vệ thu nhập cao đến từ hiệu quả lợi nhuận trong tương lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của cấu trúc vốn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)