Nguy hại của rác thải nhựa không thể không nhắc đến chính là ảnh hưởng xấu đến môi trường, rác thải nhựa bị chôn lấp sẽ phân rã thành các mảnh vi nhựa nhỏ, nằm xen bên trong đất, từ đó ảnh hưởng xấu đến nguồn nước ngầm.
Trong hệ sinh thái, vi nhựa có thể xâm nhập trực tiếp vào môi trường đất từ việc sử dụng phân bón sinh học, trên thực tế 80 đến 90% các hạt nhựa có trong nước thải vẫn tồn tại trong bùn, bùn lại được sử dụng làm phân bón, do đó gây ra sự phân tán rộng rãi của vi nhựa trong đất của chúng ta. Trong những thập kỷ gần đây, nhiều loại đất đã bị ô nhiễm một lượng lớn bởi các mảnh nhựa, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, thay đổi hoạt động vi sinh vật sống trong môi trường đất…
Hình 3.4 – Các mảnh vi nhựa có trong đất
Riêng đối với môi trường nước, rác thải nhựa cũng đã có những tác động không nhỏ. Thực tế tại Việt Nam đã có những nghiên cứu phân tích đặc điểm và tính chất của các vi nhựa trong trầm tích bề mặt ở cửa sông Ba Lạt (cửa sông Hồng), miền Bắc Việt Nam. Vi nhựa được phân tích bằng phương pháp tuyển nổi, sau đó được đo đếm và phân loại theo hình dạng và kích thước dưới kính hiển vi soi nổi. Thành phần của các vi nhựa được xác định bằng quang phổ hồng ngoại biến đổi (FT-IR). Phân bố của vi nhựa trong vùng cửa sông thay đổi khá lớn, với mật độ từ 70 đến 2.830 vi nhựa trên một kg trầm tích bề mặt khô. Vi nhựa có kích thước 300- 5.000 μm chiếm hơn 88% tổng số lượng hạt. Sợi là hình dạng chủ đạo trong tất cả các mẫu, tiếp theo là dạng màng và hạt. Các vi nhựa phát hiện được chủ yếu có màu
trong suốt, đỏ và xanh lam. Polyethylene (PE), polyamide (PA) và polypropylene (PP) là ba loại nhựa chính được tìm thấy trong trầm tích bề mặt vùng cửa sông Ba Lạt. Nghiên cứu đã cung cấp những manh mối trong việc tìm hiểu các đặc điểm và phân bố của vi nhựa trong môi trường tại Việt Nam. Tỷ lệ sợi đo được trong nghiên cứu này (91%) phù hợp với tỷ lệ được công bố trong nghiên cứu về vi nhựa ở Sông Sài Gòn (92%). Tỷ lệ này có thể khẳng định rằng việc sản xuất sợi tổng hợp đóng góp phần đáng kể tới ô nhiễm vi nhựa trong vùng do các nguồn sợi nhân tạo có thể đến từ ngành dệt may ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hình 3.5 - Sự đa dạng của vi nhựa tìm thấy trong trầm tích bề mặt vùng cửa sông Ba Lạt: loại (sợi, màng và hạt), màu sắc (trong suốt, đỏ và xanh lam/xanh lam
đậm) và kích thước vi nhựa (các hạt được phát hiện trên rây 53 μm)
Một nghiên cứu khác của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, sông Sài Gòn mật độ vi nhựa dạng sợi tại mỗi điểm từ 172.000 sợi vi nhựa/m3 nước đến 519.000 sợi vi nhựa/m3 nước; dạng mảnh từ 10 sợi vi nhựa/m3 nước đến 223 sợi vi nhựa/m3 nước. Trầm tích bãi triều huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa có hàm lượng hạt vi nhựa từ 0.02-0.0798g/kg với giá trị trung bình 0.0229-0.0089 g/kg, tương ứng với 2532-6875 mảnh vi nhựa/kg trầm tích. Ở vùng biển Tiền Giang, Cần Giờ và Bà Rịa-Vũng Tàu, mật độ vi nhựa dao động từ 0.04-0.82 sợi vi nhựa/m3 nước biển, thấp nhất ở vùng Cần Giờ và cao nhất ở vùng Tiền Giang.
Không chỉ tác động xấu đến môi trường đất và nước, rác thải nhựa cũng đã và đang làm ô nhiễm bầu khí quyển tại Việt Nam. Các sợi hoặc mảnh vi nhựa dẻo trong các bụi khí quyển ở TP Hồ Chí Minh được tìm thấy trong tất cả các mẫu. Dòng lắng đọng của vi nhựa thay đổi theo các xu hướng khác nhau tại mỗi địa điểm lấy mẫu trong một năm có thể liên quan đến các yếu tố như mật độ dân số, không gian chiếm dụng hoặc điều kiện thời tiết như lượng mưa và hướng gió. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm khí quyển ở TP Hồ Chí Minh chủ yếu là do các yếu tố như: áp lực dân số cao 8,5 triệu với mật độ 4.171 người/km2; công nghiệp dệt may tại địa phương; các hoạt động của con người như bãi chôn lấp và công trường xây dựng; thói quen của người dân địa phương và sự khác biệt về mức độ quản lý chất thải... vì thế hạt vi nhựa trong không khí đã trở thành chất ô nhiễm mới do vận chuyển xa và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.