Hiện trạng công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng tại VQG Cát Bà

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng khai thác, sử dụng cây lâm sản ngoài gỗ tại khu dự trữ sinh quyển quần đảo cát bà​ (Trang 69 - 70)

Hàng năm, VQG Cát Bà tiến hành giao khoán bảo vệ rừng được trên 5.657,9 ha rừng tự nhiên và rừng trồng cho hơn 138 hộ gia đình ở các xã vùng đệm. Hoạt động này bước đầu đã có những hiệu quả nhất định trong công tác bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài ra, hoạt động giao khoán bảo vệ rừng đã phần nào gắn trực tiếp người dân địa phương với công tác quản lý bảo vệ rừng, làm nền móng đẩy mạnh phong trào toàn dân góp sức vào công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng trên quần đảo Cát Bà. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát luôn được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Kết quả từ năm 2010 - 2012 đã ngăn chặn và xử lý được 64 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có: 38 vụ khai thác, vận chuyển cây LSNG; 09 vụ săn bắt, vận chuyển động vật rừng; 10 vụ phá rừng làm nương, khai thác gỗ, đắp đầm nuôi trồng thủy sản; xử phạt hành chính 42.550.000 đồng... (tổng hợp báo cáo Hạt kiểm lâm Vườn theo các năm 2010 - 2012).

Song song với hai hoạt động trên là một số hoạt động khác như tuyên truyền giáo dục về tất cả các lĩnh vực như: PCCCR, Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, Đa dạng sinh học,….; hoạt động phối kết hợp với các ban ngành trong huyện Cát Hải cũng được quan tâm nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm tới tài nguyên rừng.

Khi phỏng vấn ông Đỗ Xuân Thiệp, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Bà về vấn đề “Vì sao lực lượng bảo vệ của mình vẫn luôn được duy trì bảo vệ tốt nhưng tình trạng khai thác cây LSNG vẫn thường xuyên xảy ra?” Thì được biết: Do lực lượng kiểm lâm ở các trạm còn mỏng chỉ có từ 3 –

4 cán bộ kiểm lâm trên 1 trạm, địa bàn quản lý rộng, địa hình gặp khó khăn. Bên cạnh đó, kinh phí mua nhiên liệu phục vụ cho hoạt động tuần tra kiểm soát của các trạm không đủ. Vì vậy, trên địa bàn vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác trái phép tài nguyên rừng. Ông Thiệp còn cho biết thêm “thường lực lượng quản lý bảo vệ chỉ bắt được đối tượng vi phạm đang trong quá trình vận chuyển hoặc tiêu thụ, còn khả năng bắt gặp được đối tượng trong quá trình khai thác thì rất ít. Do vậy, những hình thức xử phạt chủ yếu là xử phạt hành chính, và số tiền xử phạt là không nhiều do dựa vào các quy định của nhà nước nên cách xử phạt này chỉ mang hình thức cảnh cáo và răn đe đối tượng. Đôi khi chúng tôi còn gặp khó khăn trong quá trình xử phạt bởi một số tang vật chưa có trong văn bản quy định xử phạt”.

Từ những vấn đề trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng hiện trạng công tác quản lý bảo vệ tại VQG Cát Bà đang gặp phải những khó khăn nhất định trong việc quản lý tài nguyên rừng. Mặc dù, công tác tuần tra kiểm soát luôn được chú trọng nhưng tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn thường xuyên xảy ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng khai thác, sử dụng cây lâm sản ngoài gỗ tại khu dự trữ sinh quyển quần đảo cát bà​ (Trang 69 - 70)