rừng và tổ xung kích thường xuyên nắm bắt tình hình ở ngay tại địa phương nhằm phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn tuần tra kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm.
4.3.3. Hiện trạng công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng của người dân địa phương phương
Hoạt động quản lý bảo vệ tài nguyên rừng của người dân địa phương trên đảo Cát Bà là hàng tháng các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng kết hợp với kiểm lâm địa bàn tiến hành tuần tra kiểm soát tài nguyên rừng trên diện tích rừng mà hộ dân được nhận khoán.
Tuy nhiên, việc khai thác trái phép tài nguyên rừng vẫn thường xuyên diễn ra và việc nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên rừng còn hạn chế. Chính vì vậy, người dân đang dần làm suy giảm nguồn tài nguyên rừng trên đảo Cát Bà. Người dân chỉ quan tâm đến khai thác chứ chưa thực sự chú trọng trong việc gây trồng hay bảo vệ loài. Họ khai thác các sản phẩm cây LSNG một cách không bền vững, dẫn đến một số loài cây đang ít đi và hiếm dần. Một số ví dụ về việc khai thác cây LSNG của người dân địa phương trên đảo Cát Bà:
- Ông Vũ Hữu Tỉnh, ở xã Gia luận đã đưa ra một ví dụ, và bằng chứng qua khảo sát thực địa chúng tôi thấy ví dụ này rất đúng và rất phổ biến tại đảo Cát Bà: Việc khai thác quả Sấu ở những khu vực thuộc ranh giới ở Vườn Quốc gia Cát Bà. Người dân không có quyền được khai thác các sản phẩm này. Khi đến mùa thu hoạch quả Sấu, người dân đã lén lút vào các khu vực này để khai thác. Họ khai thác quả sấu bằng cách đóng đinh lên thân cây để trèo và chặt tất cả những cành có quả xuống để thu hái quả. Khi hỏi tiếp ông Tỉnh “vì sao họ lại phải chặt như vậy?” thì ông cho biết: “ Chính vì họ không được quyền vào khai thác các sản phẩm này, cho nên để tránh các lực lượng quản lý bảo vệ, họ phải nghĩ ra các phương thức khai thác là nhanh nhất và
hiệu quả nhất, cho nên bằng cách chặt tất cả những cành có quả xuống đất thì việc thu hái quả sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc thu hái từng quả trên cây và sự nguy hiểm ở trên cây là cao hơn.” Qua khảo sát thực địa nhóm nghiên cứu thấy rằng, những cây Sấu rất to lớn ở trong VQG Cát Bà bị người dân chặt để thu hái quả rất nhiều, những cây còn cành thường là những cây không có quả. Công tác quản lý bảo vệ ở các khu vực này thường xuyên được tăng cường nhưng mà tình trạng khai thác vẫn diễn ra thường xuyên, mặc dù mọi hoạt động khai thác đều bị nghiêm cấm. Vì vậy, cần tìm ra hướng giải quyết là giao cho người dân có quyền quản lý bảo vệ các cây Sấu này, và hàng năm người dân có quyền khai thác quả từ những cây đó với những phương thức khai thác hợp lý.
- Một ví dụ khác là việc khai thác cây Lộc vừng của người dân địa phương: cây Lộc vừng phân bố ở trong khu vực của VQG Cát Bà, người dân không có quyền được vào Vườn khai thác cây này. Nhưng thực tế tình trạng khai thác trái phép các cây này vẫn thường xuyên xảy ra cho dù lực lượng quản lý bảo vệ ở những khu vực này luôn được tăng cường. Người dân khai thác một cách không bền vững, họ đã khai thác cả những cây lớn. Khi mà người dân khai thác như vậy thì những cây mẹ sẽ không còn nữa, nguồn giống sẽ mất đi, tính đa dạng sẽ bị giảm. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra hướng giải quyết là giao quyền cho người dân quản lý bảo vệ những cây Lộc vừng này và cho người dân được quyền thu hái quả từ những cây đó để nhân giống và bán.
- Ví dụ thứ ba về việc khai thác cây Xạ đen và cây Thuốc máu của người dân địa phương: Khi cây Xạ đen và cây thuốc máu còn nhiều ở ngoài những khu rừng thuộc các xã vùng đệm, thì việc khai thác của người dân là dễ dàng. Nhưng ngày nay với nhu cầu thị trường sử dụng các sản phẩm từ cây này nhiều. Nhà nhà vào rừng khai thác với mục đích thương mại, nên các cây
này ở ngoài vùng đệm ít đi và hiếm dần. Người dân bắt đầu đi tìm và khai thác ở những khu rừng sâu hơn, khó khăn hơn. Họ vào cả những khu rừng cấm để khai thác, khi vào những khu vực cấm người dân phải lén lút để tránh sự kiểm soát của lực lượng quản lý bảo vệ. Với hoạt động khai thác lén lút của người dân và sự khan hiếm dần nên họ đã khai thác cả rễ của nó, với phương thức khai thác không bền vững này sẽ làm cho cây bị mất đi, làm giảm tài nguyên đa dạng sinh học. Vì vậy, cần tìm ra hướng giải quyết là giao cho người dân có quyền quản lý bảo vệ các loài cây này và cho họ có quyền được khai thác các sản phẩm từ cây đó bằng phương thức khai thác bền vững, khuyến khích tìm các biện pháp kỹ thuật gây trồng.
Qua 3 ví dụ trên, chúng tôi nhận thấy rằng tài nguyên đa dạng sinh học trên đảo Cát Bà đang có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng. Các loài này sẽ ít và hiếm dần nếu các nhà quản lý không tìm ra những giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng khai thác trái phép và không bền vững này.