Để chuyển giao công nghệ một cách nhanh chóng và hiệu quả, có rất nhiều phương pháp chuyển giao được các doanh nghiệp Nhật Bản áp dụng:
Phương pháp đào tạo tại chỗ (OJT) và tổ chức các hội thảo đào tạo tại các khu vực địa phương là các hoạt động được sử dụng phổ biến nhất cho việc chuyển giao các công nghệ chế tạo. Ví dụ, công nghệ vận hành: bảo d ưỡng, kiểm soát chất lượng và kiểm tra quy trình sản xuất, có tới 60% các doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng phương pháp này để chuyển giao các công nghệ chế tạo.
Tùy theo trình độ công nghệ được chuyển giao, ví dụ có những công nghệ đơn giản chỉ hướng dẫn thực hành tại chổ không cần phải mở lớp hoặc tổ chức hội thảo. Còn đối với các công nghệ chuyển giao phức tạp hơn phải kết hợp mở lớp, hội thảo và OJT đóng vai trò phụ trợ. Lưu ý rằng hội thảo đào tạo ở Nhật Bản được sử dụng một cách phổ biến như một hình thức chuyển giao công nghệ chủ yếu trong trường hợp giới thiệu các sản phẩm và công nghệ mới. ở Nhật Bản, việc đào tạo chuyên sâu được tổ chức tại trụ sở công ty mẹ và mời các chuyên gia của các công ty nước ngoài đến để chuyển giao các công nghệ phức tạp. Việc sử dụng các hoạt động nhóm nhỏ như một phương tiện chuyển giao công nghệ được hạn chế ở một mức độ nào đó, so với OJT hoặc hội thảo đào tạo. Đặc biệt, chỉ có một số ít các doanh nghiệp Nhật Bản còn sử dụng các hoạt động nhóm nhỏ để chuyển giao các công nghệ phức tạp.
Các tài liệu đào tạo được viết bằng các ngôn ngữ khác nhau thể hiện các vai trò khác nhau. Tài liệu đào tạo viết bằng các ngôn ngữ bản địa có vai trò chủ yếu đối với việc chuyển giao các công nghệ chế tạo, trong khi các tài liệu đào tạo viết bằng tiếng Anh hoặc Nhật lại có vai trò tương đối lớn hơn đối với việc chuyển giao những công nghệ phức tạp. Đặc biệt, các tài liệu viết bằng tiếng Nhật được sử dụng rất nhiều đối với việc chuyển giao các sản phẩm và công nghệ mới. Điều tra của Viện Nikkei cũng nhận thấy các cuộc hội thảo đào tạo ở Nhật Bản và các tài liệu đào tạo viết bằng tiếng Nhật có vai trò quan trọng đối với việc chuyển giao những công nghệ phức tạp cho thấy các cơ hội để những công nhân bản địa tiếp thu được các công nghệ phức tạp bị hạn chế. So với các doanh nghiệp Phương Tây, các doanh nghiệp Nhật Bản ít dựa vào tài liệu đào tạo mà dựa chủ yếu vào OJT nhiều hơn, coi nó như một phương tiện để chuyển giao công nghệ. Các tài liệu được các doanh nghiệp Phương Tây soạn thảo và sử dụng hướng dẫn chi tiết vận hành các thiết bị máy móc. Kết quả là, công nhân bản địa có thể học được cách vận hành các thiết bị máy móc không mấy khó khăn. Ngược lại, các tài liệu do các doanh nghiệp Nhật Bản soạn thảo thiếu các thông tin chi tiết nên các doanh nghiệp Nhật Bản phải dựa vào OJT để vượt qua các hạn chế của tài liệu hướng dẫn đào tạo mà không cần phải giải thích tỉ mỉ. Sự khác biệt về tầm quan trọng của tài liệu hướng dẫn và OJT giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Phương Tây dường như có thể quy cho sự khác biệt về nhận thức của hai bên về ý nghĩa hoặc quan điểm của việc chuyển giao công nghệ và điều đó dẫn đến sự khác nhau về mức độ chuyển giao công nghệ và việc đánh giá chuyển giao công nghệ.