Qua điều tra, khảo sát tại khu rừng đặc dụng Yên Tử, chúng tôi đã thống kê được 364 loài cây gỗ thuộc 221 chi và 78 họ thuộc 3 ngành thực vật [Phụ lục 01] : Ngành Dương xỉ (Polypodiophyta), ngành Hạt trần (Gymnospermae), ngành Hạt kín (Angiospermae). Bình quân mỗi họ có 4,67 loài và mỗi chi có 1,65 loài.
So sánh với kết quả điều tra đa dạng thực vật của tác giả Phùng Văn Phê điều tra, thống kê năm 2006 thì đề tài đã phát hiện và bổ sung thêm được 1 loài cây gỗ mới cho danh lục thực vật của Yên Tử. Đó là cây Sui (Antiaris toxicaria (Lesch.)) thuộc họ Dâu Tằm (Moraceae). Qua điều tra, tôi mới chỉ phát hiện được 2 cây to tại vị trí khoảnh 5 và khoảnh 8, tiểu khu 32 với đường kính đạt khoảng 1,2m. Điều tra cây tái sinh chỉ phát hiện được 1 cây với đường kính khoảng 8cm.
Từ kết quả thống kê thành phần cây gỗ giữa các ngành ta tính tỷ lệ phần trăm của chúng để so sánh, đánh giá mức độ đa dạng thực vật giữa các ngành với nhau trong khu vực nghiên cứu. Kết quả thể hiện qua bảng 4.1:
Bảng 4.1: Phân bố của các taxon trong khu hệ cây gỗ tại Yên Tử
Ngành thực vật Loài Chi Họ Số loài % Số chi % Số họ % Dương xỉ (Polypodiophyta) 1 0,3 1 0,45 1 1,28 Hạt trần (Gymnospermae) 7 1,92 5 2,26 3 3,85 Hạt kín (Angiospermae) 356 97,78 215 97,29 74 94,87 Tổng số 364 100 221 100 78 100
Qua bảng 4.1 ta thấy rừng đặc dụng Yên Tử khá đa dạng về các ngành cây gỗ. Trong đó, phần lớn các taxon thực vật cây gỗ nằm trong ngành Hạt kín với 356 loài trong tổng số 364 loài tại khu vực nghiên cứu, chiếm 97,78%; tiếp theo là ngành Hạt trần với 7 loài, chiếm 1,92%; sau đó đến ngành Dương xỉ với 1 loài chiếm 0,3%. Qua đây, ta cũng thấy được các cây gỗ trong ngành Hạt kín là ưu thế nhất, điều đó thể hiện rõ tính chất nhiệt đới của hệ thực vật cây gỗ tại khu vực nghiên cứu.
Khi nghiên cứu số lượng và tỷ lệ phần trăm các họ, chi, loài thực vật tại khu vực nghiên cứu ta nhận thấy, không chỉ có sự đa dạng về loài giữa các ngành trong khu vực nghiên cứu mà ngay trong ngành Hạt kín (ngành chiếm tỷ lệ cây gỗ lớn nhất trong khu vực nghiên cứu) cũng có sự khác nhau về taxon họ, chi, loài giữa lớp Hai lá mầm và lớp Một lá mầm. Sự khác biệt đó được thể hiện qua bảng 4.2.
Bảng 4.2. Phân bố của các taxon trong ngành Hạt kín (Angiospermae)
Lớp Loài Chi Họ Số loài % Số chi % Số họ % Hai lá mầm – Dicotyledoneae 327 91,85 202 93,95 69 93,24 Một lá mầm - Monocotyledoneae 29 8,15 13 6,05 5 6,76 Tổng số 356 100 215 100 74 100 Tỷ trọng A/B 11,28 15,53 13,79
Qua bảng 4.2 cho thấy ở khu vực nghiên cứu, đối với ngành Hạt kín thì lớp Hai lá mầm chiếm ưu thế hơn về số họ, chi, loài. Trong đó, lớp Hai lá mầm có số loài chiếm 91,85%, số chi chiếm 93,95% và số họ chiếm 93,24%. Tỷ trọng giữa lớp Hai lá mầm và Một lá mầm về số loài là 11,28; về số chi là 15,53 và về số họ là 13,79. Qua đây ta thấy sự chênh lệch rất lớn về số lượng giữa lớp Hai lá mầm và Một lá mầm, điều đó càng khẳng định rõ hơn về tính chất nhiệt đới của các loài cây gỗ tại Rừng đặc dụng Yên Tử.