- Quảng bá tiềm năng về đa dạng sinh học, điều kiện kinh tế xã hội vùng dự án đến các tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài đang quan tâm và có chương trình hỗ trợ về lĩnh vực bảo vệ môi trường - bảo tồn đa dạng sinh học, quan tâm đặc biệt tới các loài hạt trần hiện có trong khu vực.
- Quy hoạch vùng du lịch, giới thiệu tiềm năng về du lịch của khu bảo tồn, điều kiện môi trường đầu tư (địa điểm, môi trường kinh doanh, quỹ đất...) để kêu gọi nguồn vốn liên danh liên kết của các tổ chức - cá nhân trong và ngoài nước có năng lực đầu tư vốn cho hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái.
- Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên thông qua việc tổ chức cho cán bộ tham gia các khoá học chuyên ngành dài hạn, ngắn hạn; tăng cường học tập kinh nghiệm ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn đã làm tốt công tác bảo tồn thiên nhiên.
- Thường xuyên tổ chức những đợt học tập nâng cao nghiệp vụ về công tác quản lý bảo vệ rừng, điều tra đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng, kỹ năng làm việc với cộng đồng cho các cán bộ Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý và cán bộ Kiểm lâm địa bàn để công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung và công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Rừng đặc dụng Yên Tử được thực hiện tốt hơn.
- Cần tăng cường đội ngũ cán bộ kiểm lâm cho Ban quản lý rừng vì hiện nay số lượng cán bộ kiểm lâm tại khu vực còn hạn chế, lại bị phân chia thêm nhân sự cho đội quản lý di tích, hơn nữa, vào mùa lễ hội lực lượng bảo vệ rừng còn phải kiêm thêm công tác đảm bảo trật tự an ninh trong thời gian diễn ra lễ hội cho nên lực lượng bảo vệ rừng rất mỏng, khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
- Cần thu hút các đề tài, dự án của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ vào Yên Tử để có thêm quỹ hỗ trợ cho công tác bảo tồn.
- Cập nhật thông tin, đưa các tiến bộ khoa học, các phương tiện hiện đại để phục vụ triển khai thực hiện các chương trình nghiên cứu cơ bản trong khu vực nghiên cứu.