IX. Một số kết quả chủ yếu về hoạt động khoa học và công nghệ tại các địa phương
9.2. Trong lĩnh vực nông nghiệp:
Dự án "Xây dựng hệ thống sản xuất giống lúa tại Hưng Yên" đã chủ động được công nghệ sản xuất giống lúa lai tại địa phương, cung cấp được trên 70%
nhu cầu giống của tỉnh, góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh lên trên 12 tấn/ha/năm. Dự án "Sản xuất hạt giống lúa lai F1 theo công nghệ của Trung Quốc tại Thanh Hóa" đã góp phần hình thành chương trình tự sản xuất hạt giống lúa lai của tỉnh quy mô 400 ha/năm, sản lượng đạt 800-8500 tấn/năm. Dự án "Giống lúa chất lượng cao tại Trà Vinh" đã khảo nghiệm bộ giống lúa mới có triển vọng về năng suất, chất lượng gạo cao tại một số huyện như Cầu Kè, Châu Thành, Tiểu Cần... Các giống lúa được nông dân chấp nhận và nhân ra đại trà. Dự án "Sản xuất thử 10 ha giống nho NH01-48 tỉnh Ninh Thuận" đã triển khai mô hình 10 ha thành công, xác định được phương pháp trồng nho trên nền gốc ghép Couderc, tăng tính chống chịu, khả năng sinh trưởng của nho, năng suất tốt, sản phẩm được thị trường chấp nhận, tạo việc làm và thu nhập cao cho nông dân Ninh Thuận. Dự án "Kỹ thuật ghép chồi cà phê và nâng cao chất lượng cà phê tại tỉnh Đắk Lắk và Đắc Nông" đã xây dựng vườn nhân chồi ghép tại một số vùng chuyên canh làm cơ sở nhân rộng, hỗ trợ nông dân áp dụng các kỹ thuật tiến bộ trong kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê đạt chất lượng cao. Dự án "Xây dựng Phòng nuôi cấy mô và ứng dụng công nghệ sinh học thực vật trong phát triển nông-lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai" đã tuyển chọn và nhân nhanh cây công nghiệp ngắn ngày có hiệu quả thay thế các giống không đồng đều, sâu bệnh.
Dự án "Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất và truyền cấy phôi nhằm nhân nhanh giống bò sữa cao sản tại Tp. Hồ Chí Minh" đã tạo tiền đề cho những nghiên cứu và ứng dụng về phôi bò. Dự án "Quy trình nuôi tôm he chân trắng Nam Mỹ tại Hải Phòng" đã xác định quy trình kỹ thuật nuôi tôm he chân trắng Nam Mỹ từ khâu vận chuyển, ương bột thành tôm giống và nuôi tôm thương phẩm, đạt năng suất 1- 1,5%/ha/vụ tại vùng nước ngọt và 1,5-3 tấn/ha/vụ tại vùng nước lợ Hải Phòng. Dự án "Thành phần thức ăn sử dụng trong quy trình sản xuất nhân tạo cua biển, nâng cao tỷ lệ sống ấu trùng tại tỉnh Bạc Liêu", đã xác định được mùa vụ sinh sản thích hợp của cua biển ở Bạc Liêu, hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo và cung cấp nguồn giống cho các mô hình nuôi cua biển ở địa phương.