đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
2.1.1. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
Mỗi quốc gia muốn phát triển kinh tế - xã hội đều phải có nền tảng vật chất, kỹ thuật nhất định để phục vụ đắc lực cho sự phát triển đó, nền tảng vật chất kỹ thuật được nói đến ở đây chính là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng.
Thực tế hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cụ thể:
Theo Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: "Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là tổng thể các cơ sở vật chất, kỹ thuật, kiến trúc đóng vai trò nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra một cách bình thường".
Theo quan điểm của một số chuyên gia Nhật Bản thì: "Kết cấu hạ tầng là nền tảng mang tính hệ thống duy trì toàn bộ đời sống kinh tế quốc dân và cho hoạt động sản xuất, là tài sản có tính công cộng mà không thể cung cấp đủ bằng cơ chế thị trường".
2.1.2. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
a. Khái niệm
Theo Luật Giao thông đường bộ Việt Nam (2008) quy định: "Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ". Như vậy có thể thấy, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ rất đa dạng, gồm nhiều bộ phận khác nhau, mang cả hai hình thái vật chất và hình thái phi vật chất.
b. Đặc điểm của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Do kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là một bộ phận của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng có những đặc điểm của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng có nhưng đặc điểm riêng, cụ thể đặc điểm của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:
+) Thứ nhất, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mang tính thống nhất liên hoàn, các bộ phận bổ sung cho nhau. Do vậy, việc đầu tư và xây dựng hệ thống cầu, đường bộ phải tính đến nhân tố đầu tư toàn diện, đảm bảo hoàn thành đầy đủ toàn bộ các nhân tố thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
+) Thứ hai, do đặc điểm tính chất riêng có, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, nên trong công tác phân bổ vốn đầu tư hàng nằm cần phải cân đối nguồn vốn thích hợp giữa dự án xây dựng mới với việc nâng cấp, mở rộng và phải dành một lượng vốn nhất định cho công tác bảo trì bảo dưỡng cầu, đường bộ. +) Thứ ba, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thường rất lớn, thời gian thi công kéo dài nhiều năm. Vì vậy, phải huy động nguồn vốn đầu tư lớn cũng như phải có một quá trình theo dõi, quản lý vốn đầu tư và giám sát quá trình thi công chặt chẽ nhằm tránh tiêu cực thất thoát, tham nhũng.
+) Thứ tư, do đặc điểm của các công trình giao thông mang tính cố định, đi qua nhiều địa bàn thuộc các địa phương khác nhau quản lý, cho nên khi chọn địa điểm xây dựng cần phải cân nhắc đầy đủ toàn diện để chọn phương án tuyến cho phù hợp, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một vùng và cả nước. Mặt khác, trong quá trình tổ chức xây dựng, đòi hỏi các địa phương cần phối hợp với nhau từ khâu chuẩn bị đầu tư cho đến khi xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng.
+) Thứ năm, hiệu quả đầu tư xây dựng vào các công trình giao thông đường bộ đối với nền kinh tế mang tính gián tiếp. Bên cạnh những công trình có thể thu hồi vốn bằng hình thức thu phí sử dụng đường bộ, còn có những công trình không thể thu hồi vốn bằng hình thức thu phí như các công trình cầu, đường bộ ở khu vực nông thôn, miền núi. Vì vậy, cần phân loại rõ thành các trường hợp để đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hay huy đồng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
+) Thứ sáu, lợi ích mang lại của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thường phát huy trong một thời gian dài, không chỉ người dân đang sống hiện tại ở địa phương được hưởng lợi mà các thế hệ sau này cũng vẫn được hưởng những lợi ích đó. Điều này, cho phép Nhà nước và các địa phương có thể huy động nguồn lực tài chính dưới hình thức vay và trả nợ từ các tổ chức và cá nhân bằng phát hành công trái quốc gia hoặc trái phiếu đầu tư địa phương.
2.1.3. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
a. Khái niệm đầu tư
Theo quan điểm của Từ Quang Phương, Phạm Văn Hùng (2013), có nhiều quan điểm khác nhau về đầu tư:
Khái niệm thường dùng: Đầu tư là quá trình sử dụng vốn hoặc các nguồn lực khác nhằm đạt được một hoặc một tập hợp các mục tiêu nào đó. Hoặc thậm chí đơn giản cho rằng: Đầu tư chính là quá trình tiền đẻ ra tiền.
Khái niệm thiên về tài sản: Đầu tư chính là quá trình bỏ vốn để tạo ra tiềm lực sản xuất kinh doanh dưới hình thức tài sản kinh doanh, đó cũng là quá trình quản trị tài sản để sinh lời
Khái niệm thiên về khía cạnh tài chính: Đầu tư là một chuỗi hành động chi của chủ đầu tư và ngược lại chủ đầu tư sẽ nhận được chuỗi hành động thu để hoàn vốn và sinh lời
Khái niệm thiên về khía cạnh xây dựng: Đầu tư xây dựng là quá trình bỏ vốn nhằm tạo ra các tài sản vật chất dưới dạng các công trình xây dựng
Dưới góc độ là môn khoa học nghiên cứu quy luật kinh tế vận động trong lĩnh vực đầu tư thì hoạt động đầu tư được hiểu là quá trình sử dụng phối hợp các nguồn lực trong một khoảng thời gian xác định nhằm đạt được kết quả hoặc một tập hợp các mục tiêu xác định trong điều kiện kinh tế xã hội nhất định
Đầu tư phát triển là bộ phận cơ bản của đầu tư, là hoạt động sử dụng vốn trong hiện tại nhằm tạo ra những tài sản vật chất và trí tuệ mới, năng lực sản xuất mới và duy trì tài sản hiện có, nhằm tạo thêm việc làm và vì mục tiêu phát triển.
Đầu tư phát triển là một phương thức đầu tư trực tiếp, trong đó quá trình đầu tư làm gia tăng giá trị và năng lực sản xuất, năng lực phục vụ của tài sản. Thông qua hành vi đầu tư này, năng lực sản xuất và năng lực phục vụ của nền kinh tế cũng gia tăng.
b. Đặc điểm của đầu tư phát triển
Đầu tư phát triển mang đầy đủ đặc điểm của đầu tư, bên cạnh đó đầu tư phát triển cũng có những đặc điểm riêng:
Thứ nhất, đầu tư phát triển đòi hỏi quy mô tiền vốn, vật tư, lao động cần thiết cho hoạt động đầu tư phát triển thường rất lớn. Vốn lớn ở đây được hiểu là so với năng lực tài chính của chủ đầu tư và so với yêu cầu của dự án.
Thứ hai, thời kỳ đầu tư thường kéo dài. Thời kỳ đầu tư tính từ khi khởi công thực hiện dự án đầu tư đến khi hoàn thành và đưa vào hoạt động. Người ta thường phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn thì đầu tư những phần khác nhau.
Thứ ba, thời kỳ vận hành các kết quả đầu tư kéo dài, thời kỳ vận hành được tính từ lúc công trình hoàn thành cho đến lúc công trình không sử dụng được nữa.
Thứ tư, quá trình thực hiện đầu tư cũng như thời kỳ vận hành các kết quả đầu tư chịu ảnh hưởng lớn của các nhân tố về tự nhiên, kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển có độ rủi ro cao. Lúc ít cung thì giá cao nhưng khi cung đã nhiều lên thì giá thành sẽ giảm xuống. Sau thời gian dài đầu tư thì doanh thu sẽ giảm so với trước. Khi đó lợi nhuận sẽ giảm và sẽ dẫn đến rủi ro.
c. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là bộ phận của đầu tư phát triển, là việc chi dùng vốn trong hiện tại để tiến hành các hoạt động kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như xây dựng công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ, nhằm làm tăng thêm hoặc tạo ra thêm các tài sản vật chất, gia tăng năng lực sản xuất, tạo thêm việc làm và vì mục tiêu phát triển.
2.1.4. Phân loại nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ
Tiếp cận theo góc độ phạm vi, nguồn vốn bao gồm nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài.
Sơđồ 2.1: Nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
2.1.4.1. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước
Ngân sách là một phạm trù kinh tế gắn liền với việc tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của một chủ thể nhất định. Chủ thể sử dụng quỹ tiền tệ có thể là một cá nhân, một gia đình, một tổ chức, một địa phương hoặc một quốc gia.
Theo luật ngân sách Nhà nước năm 2002 của Việt Nam cũng khẳng định: “Ngân sách Nhà nước là toàn bộ khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”.
Một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững là phải đầu tư và mở rộng đầu tư, muốn mở rộng đầu tư thì không thể thiếu nguồn vốn nói riêng và các nguồn lực nói chung.
Nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là khả năng tài chính mà các chủ thể trong xã hội có thể khai thác, sử dụng nhằm thực hiện các mục đích nhất định.
Đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước là khả năng tài chính của Nhà nước, các nguồn lực để có thể khai thác hoặc sử dụng để thực hiện mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ngân sách Nhà nước là nơi tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia bao gồm các khoản thu của Nhà nước như: Thuế, phí, lệ phí; Các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước; Các khoản thu từ bán hoặc cho thuê tài nguyên, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước; Các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp; Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân nước ngoài; Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước và các khoản thu khác. Tổng số các khoản thu nêu trên, sau khi cân đối chi thường xuyên, số chênh lệch còn lại là nguồn vốn dành cho chi đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước, trong đó chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Như vậy, thực chất nguồn vốn chi đầu tư của ngân sách Nhà nước được huy động từ các khoản thu của ngân sách, thông qua phân bổ vốn đầu tư của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước để hình thành vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Do đó, mức phân bổ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ phụ thuộc và khả năng thu ngân sách và cơ chế phân bổ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nguồn vốn này thường bị giới hạn, do vậy một mặt cần phải sử dụng các biện
pháp tăng thu ngân sách, mặt khác cần xây dựng cơ chế phân bổ vốn đầu tư thích hợp vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hệ thống giao thông đường bộ nói riêng.
Nguồn vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước
Là nguồn vốn tự có (phần còn lại thu nhập của doanh nghiệp sau khi trừ đi các khoản chi cần thiết) để đầu tư xây dựng các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thông thường đầu tư của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng đều phải đầu tư vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở những nơi thuận lợi, nhu cầu giao thông cao, có khả năng thu hồi vốn (thu phí sử dụng đường bộ). Các doanh nghiệp Nhà nước có thể tự đầu tư hoặc liên doanh liên kết với cả doanh nghiệp khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BT, BOT, BTO. Ngày nay, các doanh nghiệp còn có thể đầu tư gián tiếp thông qua hình thức mua trái phiếu Chính phủ trong trường hợp Chính phủ huy động nguồn vốn bằng phát hành trái phiếu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Nguồn vốn từ các tổ chức tài chính trung gian của Nhà nước
Thông qua các tổ chức tài chính trung gian của Nhà nước như Ngân hàng phát triển, Ngân hành chính sách và các Quỹ tài chính khác của Nhà nước. Các tổ chức tài chính trung gian của Nhà nước cho các đối tượng vay dưới hình thức tín dụng để đầu tư xây dựng các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện nay, các tổ chức tài chính trung gian này còn cho cơ quan quản lý tài chính Nhà nước vay để phân bổ chi đầu tư xây dựng các công trình thuộc kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất tiền vay ngân hàng thương mại; Các cơ quan quản lý tài chính Nhà nước sẽ hoàn trả cả gốc lẫn lãi tiền vay theo thời hạn từ nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Thực chất nguồn vốn cho vay của các tổ chức tài chính trung gian của Nhà nước cũng bắt nguồn từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn này chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số nguồn vốn huy động nhưng có tác dụng giải quyết một phần nhu cầu phát triển hệ thống giao thông đường bộ phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Có thể nói rằng nguồn vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là nguồn vốn mang tính chủ đạo, chi phối và kích thích các nguồn vốn khác tham gia vào đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào các công trình giao thông đường bộ mang tính trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Xuất phát từ đặc điểm của hoạt động thu chi ngân sách Nhà nước được
thực hiện theo nguyên tắc không hoàn trả trực tiếp là chủ yếu, nên nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Nhà nước có ưu điểm là phù hợp với mọi dự án đầu tư, kể cả dự án có khả năng thu hồi vốn và dự án không có khả năng thu hồi vốn ở các địa bàn miền nói khó khăn và đặc biệt khó khăn cũng như đầu tư cho công tác duy tu bảo dưỡng đường bộ. Tuy nhiên, càng ngày nhu cầu vốn đầu