2.2.1. Vai trò của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với phát triển kinh tế
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là điều kiện tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là một trong những loại cơ sở vật chất - kỹ thuật nền tảng quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia hay vùng miền. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các vùng miền hay quốc gia, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa. Nếu như trước khi có đường giao thông, điều kiện đi lại khó khăn, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa ít được quan tâm đầu tư khai phá. Khi có đường giao thông, các luồng vốn đầu tư sẽ chảy về khu vực này, đánh thức tiềm năng kinh tế, hình thành nên những vùng sản xuất mới, làm ra thêm nhiều của cả cho xã hội qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là một phần trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, do vậy cũng giống như các khoản đầu tư khác, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, khi một công trình giao thông được đầu tư xây dựng sẽ tạo ra thu nhập cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng công trình đó, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động. Từ đó các doanh nghiệp và những người lao động này lại sử dụng các khoản thu nhập của mình để mua sắm hàng hoá và dịch vụ. Do đó họ lại góp phần làm tăng sản lượng và GDP của nền kinh tế. Cứ như thế sẽ có một chuỗi gia tăng sản lượng, việc làm và GDP của nền kinh tế.
Tiếp theo đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sẽ tác động trực tiếp đến việc phân bố các cơ sở sản xuất. Đại đa số các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những địa điểm có điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi để đặt các cơ sở sản xuất
kinh doanh của mình. Vì chỉ ở những nơi có điều kiện giao thông thuận lợi thì việc vận chuyển hàng hoá đầu ra và đầu vào cho sản xuất mới thuận lợi, dễ dàng nhờ đó mà các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm và thu lợi nhuận cao. Ngược lại, ở những nơi mặc dù giàu tài nguyên thiên nhiên, đất đai phì nhiêu, màu mỡ nhưng đường giao thông không có hoặc đi lại khó khăn thì không thể thu hút được các nhà đầu tư đến vì họ lo ngại hàng hoá được sản xuất ra sẽ không đem được đến thị trường tiêu thụ. Do vậy, cải thiện điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại một địa phương sẽ có tác động lôi kéo các nhà đầu tư đến địa phương đó, nhờ vậy các ngành kinh tế sẽ phát triển và dần tạo ra sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế của địa phương.
Mặt khác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, sức cạnh tranh của nền kinh tế liên quan trực tiếp đến hai nhân tố là giá thành sản phẩm và môi trường đầu tư. Giá thành của một loại sản phẩm hàng hoá được cấu thành bởi nhiều nhân tố và có thể được cụ thể hoá bằng công thức sau:
Csp = Cvl + Ckh + Clđ+ Cnl+ Cnhl + Cql + Cqc + Cvt Trong đó:
Csp là giá thành của một sản phẩm hàng hoá
Cvl là chi phí nguyên vật liệu cho một đơn vị sản phẩm
Ckh là chi phí khấu hao cho một đơn vị sản phẩm
Clđ là chi phí nhân công cho một đơn vị sản phẩm
Cnl là chi phí tiêu hao năng lượng cho một đơn vị sản phẩm
Cnhl là chi phí tiêu hao nhiên liệu cho một đơn vị sản phẩm
Cql là chi phí quản lý cho một đơn vị sản phẩm
Cqc là chi phí quảng cáo, khuyến mại cho một đơn vị sản phẩm
Cvt là chi phí vận tải nguyên vật liệu và thành phẩm cho một đơn vị sản phẩm Theo công thức trên, trong giá thành của mỗi loại sản phẩm hàng hoá, chi phí vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể, thường chiến từ 10 - 15% cá biệt có những loại có sản phẩm hàng hoá giá trị thấp như nông sản, vật liệu xây dựng thì chi phí vận tải có khi lên đến 30% giá thành. Chính vì tầm quan trọng của chi phí vận tải đối với giá thành sản phẩm nên việc cắt giảm loại chi phí này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá và nền kinh tế. Như vậy, có thể nói kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và gia thông đường bộ nói riêng luôn giữ vai trò chủ chốt trong hệ thống kết cấu hạ tầng của mỗi quốc gia, vì vậy đầu
tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông sẽ là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
2.2.2. Vai trò của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với phát triển xã hội
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thông qua tác động đến tăng trưởng kinh tế, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông sẽ làm cho mức sống của người dân được cải thiện, từ đó người dân sẽ có điều kiện hưởng thụ các điều kiện vật chất, văn hoá tinh thần cao hơn. Ngoài ra, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn thay đổi hành vi tham gia giao thông của con người. Chẳng hạn, khi các tuyến phố chật hẹp được mở rộng với nhiều làn đường, có hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông đầy đủ thì người điều khiển phương tiện giao thông sẽ có ý thức cao hơn trong việc chấp hành luật giao thông, đi đúng làn đường của mình và hành xử có văn hoá hơn khi tham gia giao thông.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng có vai trò trong việc phân bố lại dân cư. Xu hướng tự nhiên của người dân là sẽ di chuyển đến những nơi có điều kiện sống tốt hơn và có cơ hội kiếm sống dễ dàng hơn. Do vậy, khi có một tuyến đường mới được xây dựng sẽ dẫn đến hình thành điểm dân cư mới ở hành lang hai bên đường, đặc biệt là ở các đầu mối giao thông nơi giao cắt của nhiều tuyến đường hoặc nơi hội tụ của nhiều loại hình giao thông khác nhau. Ở các đầu mối giao thông thường xuất hiện các trung tâm thương mại, cửa hàng bách hoá, các cơ sở dịch vụ nhà hàng, khách sạn...
2.2.3. Vai trò của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với quản lý Nhà nước
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước là một bộ phận của đầu tư phát triển nói chung của toàn bộ nền kinh tế, do vậy nó cũng có những vai trò của đầu tư phát triển. Đầu tư phát triển nói chung và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thể hiện vai trò của Nhà nước theo hai góc độ: Một là đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước là sự phân bổ nguồn lực; Hai là đầu tư phát triển là công cụ của Nhà nước. Cụ thể:
Đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc đảm bảo duy trì sự tồn tại, hoạt động và phát triển bộ máy Nhà nước.
Mặt khác đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước có vai trò thúc đẩy, định hướng, chi phối, dẫn dắt, điều chỉnh trong hoạt động đầu tư phát triển nói chung của toàn bộ nền kinh tế.
Đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước có vai trò to lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội của Nhà nước như đảm bảo nền kinh tế hoạt động có hiệu quả và đúng định hướng, thực hiện công bằng xã hội, mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
2.3. Các chỉ tiêu đánh giá kết quả và hiệu quảđầu tư phát triển kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ
2.3.1. Chỉ tiêu kết quảđầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Kết quả của hoạt động đầu tư phát triển trong ngành thường được thể hiện thông qua ba chỉ tiêu: Khối lượng vốn đầu tư thực hiện; Tài sản cố định huy động hay Năng lực sản xuất phục vụ tăng thêm. Trong lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kết quả đầu tư được thể hiện như sau:
Khối lượng vốn đầu tư thực hiện: Là tổng số tiền đã chi để tiến hành các hoạt động đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở Việt Nam, nếu trong nhiều năm vốn đầu tư của xã hội vào kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tăng thì cũng phản ánh phần nào là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có hiệu quả, bởi vì việc đầu tư có đem lại hiệu quả thì các nhà đầu tư mới tăng vốn đầu tư phát triển. Khi phân tích tốc độ tăng vốn đầu tư không được để nguyên giá thực tế mỗi năm, vì như thế không loại bỏ được nhân tố biến động của giá. Vì thế, trước khi tính tốc độ tăng vốn đầu tư, cần điều chỉnh vốn đầu tư theo giá thực tế của mỗi năm về cùng một mặt bằng giá của một năm được coi là gốc tính toán thông qua hệ số trượt giá.
Tài sản cố định huy động chính là những công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng trong một thời gian nhất định, được thể hiện bằng nhưng chỉ tiêu hiện vật: Số lượng cầu, tổng chiều dài đường bộ.
Năng lực sản xuất phục vụ tăng thêm chính là khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, dịch vụ của cầu, đường đã được đưa vào sử dụng trong kỳ.
2.3.2. Chỉ tiêu hiệu quảđầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Hiệu quả đầu tư là phạm trù kinh tế biểu hiện quan hệ so sánh giữa các kết quả kinh tế - xã hội đạt được của hoạt động đầu tư với các chi phí bỏ ra để có các kết quả đó trong một thời kì nhất định (Từ Quang Phương, Phạm Văn Hùng, 2013). Để đáp ứng nhu cầu quản lý và nghiên cứu thì có thể phân loại hiệu quả đầu tư theo các tiêu thức sau đây:
Theo lĩnh vực hoạt động của xã hội có hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả kĩ thuật...
Theo phạm vi tác động của hiệu quả, có hiệu quả đầu tư của từng dự án, từng doanh nghiệp, từng ngành, địa phương và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Theo phạm vi lợi ích có hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội. Hiệu quả tài chính là hiệu quả kinh tế được xem xét trong phạm vi quản lý tài chính. Hiệu quả kinh tế - xã hội là hiệu quả tổng hợp được xem xét trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.
Theo mức độ phát sinh trực tiếp hay gián tiếp có hiệu quả trực tiếp và hiệu quả gián tiếp.
Theo cách tính toán, có hiệu quả tuyệt đối và hiệu quả tương đối: Hiệu quả tuyệt đối là hiệu quả được tính bằng hiệu số giữa kết quả và chi phí, hiệu quả tương đối được tính bằng tỷ số giữa kết quả và chi phí.
2.3.2.1. Nhóm chỉ tiêu hiệu quả kinh tế
Đặc điểm của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng ngân sách Nhà nước là hoạt động đầu tư của Nhà nước nhằm cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng cho xã hội; Không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận và các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thường không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, thường không đem lại hiệu quả tài chính trước mắt nhưng đem lại hiệu quả kinh tế xã hội trong dài hạn.
Xét dưới góc độ đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư cụ thể, các chỉ tiêu như: Tỷ số lợi ích/chi phí (B/C), thời gian hoàn vốn (T), hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR), giá trị gia tăng thuần túy (NVA)… thường được sử dụng để đánh giá hiệu quả đầu tư (Từ Quang Phương, Phạm Văn Hùng, 2013). Tuy nhiên, trên thực tế không thể tính toán được chính xác, đầy đủ tất cả lợi ích, kết quả đầu ra của chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước do tác động có tính “lan tỏa”.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chịu sự tác động của rất nhiều nhân tố đan xen, từ chủ quan đến khách quan, từ môi trường kinh tế vĩ mô đến vi mô, từ nhân tố thể chế đến điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa nên cũng không thể tính toán đầy đủ, chính xác được các chi phí phải bỏ ra, nhất là các chi phí cơ hội, chi phí phát sinh do tác động tiêu cực của việc thực hiện. Điều này còn chưa tính đến sự khó khăn, phức tạp trong việc thu thập thông tin, số liệu để tính toán. Do đó, việc sử dụng các chỉ tiêu hiệu quả dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước nêu trên chỉ mang ý nghĩa tương đối và chỉ phản ánh được hiệu quả trong những điều kiện, ràng buộc cụ thể nhất định.
Chỉ tiêu Mức độ đóng góp của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng ngân sách Nhà nước vào tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo lý thuyết về mô hình tăng trưởng hai khu vực, tăng trưởng kinh tế là kết quả đóng góp tổng hợp của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế Nhà nước (Turnovsky, 1997), hàm sản xuất phụ thuộc cả vào vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư công, một trong những nội dung quan trọng của đầu tư công chính là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Mức độ đóng góp của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được xác định trên cơ sở ước lượng tác động của tỷ lệ vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng ngân sách Nhà nước/GPD so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, khi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng ngân sách Nhà nước có tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế thì có thể kết luận đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng ngân sách Nhà nước có hiệu quả về mặt kinh tế.
2.3.2.2. Nhóm chỉ tiêu hiệu quả xã hội
Bên cạnh tác động kinh tế thì đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng ngân sách Nhà nước có tác động lớn đến các vấn đề xã hội, môi trường, đó là nâng cao mức sống, tạo thêm công văn việc làm, tăng năng suất lao động, gia tăng thu nhập bình quân, cải thiện chất lượng và phát triển môi trường bền vững,….
Chỉ tiêu mức độ đóng góp của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng ngân sách Nhà nước đối với tỷ lệ nghèo.
Với các nước đang phát triển, dân số phần lớn sản xuất nông nghiệp và sống phụ thuộc vào nông nghiệp, khi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sử dụng ngân sách Nhà nước phát triển, kết quả là cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân có thể tiếp cận tốt hơn thị trường tiêu thụ