tranh ngành vận tải biển
2.1.4.1 Lý luận về xác định đối thủ cạnh tranh ngành vận tải biển
Thị trường VTB hàng hóa XNK VN có sự tham gia vận tải của ngành VTB VN (bao gồm các DN VTB VN thuộc ngành) và các đối thủ cạnh tranh của ngành VTB VN là ngành VTB của các quốc gia đang tham gia thị trường VTB VN (bao gồm các chủ tàu nước ngoài). Sự cạnh tranh trên thị trường VTB hàng hóa XNK VN diễn ra rất gay gắt, hiện tượng cá lớn nuốt cá bé không còn xa lạ. Vì vậy trước khi thâm nhập thị trường VTB hàng hóa XNK VN, các DN VTB VN phải biết rõ mình là ai, khả năng tài chính của mình đến đâu, cũng như hiểu rõ đối thủ cạnh tranh của mình như thế nào để có chiến lược cạnh tranh phù hợp. Với lợi thế về vị trí địa lý và nguồn hàng hóa XNK ngay tại VN, các DN VTB VN có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển VTB và cạnh tranh VTB, nhưng các DN VTB VN phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường, chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự thôn tính thị trường của các đối thủ cạnh tranh.
Đối thủ cạnh tranh của ngành VTB VN và các DN VTB VN trong ngành là ngành VTB của các quốc gia đang tham gia thị trường VTB VN, nơi có sự hiện diện và cạnh tranh của các chủ tàu VTB nước ngoài, được phân thành hai nhóm đối thủ cạnh tranh như sau:
a. Nhóm đối thủ cạnh tranh dẫn đầu thị trường:
Lựa chọn 04 quốc gia chiếm “Tỷ trọng kim ngạch XNK (%) lớn nhất trên thị trường XNK hàng hóa của VN”. Đây là 04 đối thủ cạnh tranh có sức mạnh vượt trội so với VTB VN.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan [68] và [Phụ lục 01], thị trường hàng hóa XNK của VN từ 2001-2014, VN có quan hệ trao đổi hàng hóa với 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch XNK năm 2013 của VN đạt
264,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 132,13 tỷ USD và nhập khẩu đạt 132,12 tỷ USD. Trong nhóm các thị trường, 04 quốc gia chiếm tỷ trọng kim ngạch XNK ( lớn nhất trên thị trường XNK hàng hóa của VN là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
- Thị trường Trung Quốc: Đây là đối tác thương mại lớn nhất của VN với tổng kim ngạch XNK hàng hóa năm 2013 lên tới 50,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của VN sang thị trường này đạt 13,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu hàng hoá của VN từ Trung Quốc là 36,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
- Thị trường Nhật Bản: Xuất khẩu hàng hóa của VN sang Nhật Bản năm 2013 đạt 13,7 tỷ USD, nhập khẩu của VN từ thị trường Nhật Bản 11,6 tỷ USD.
- Thị trường Hàn Quốc: Hàn Quốc luôn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 4 của các DN VN, trong khi đó ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ 2 của các DN VN. Về tổng thể, trong năm 2013, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của VN, cụ thể xuất khẩu của VN sang Hàn Quốc đạt 6,6 tỷ USD và nhập khẩu là 20,7 tỷ USD.
- Thị trường Mỹ: Năm 2013, Mỹ tiếp tục là thị trường mà VN đạt thặng dư thương mại lớn nhất với giá trị tuyệt đối gần 18,7 tỷ USD trong đó xuất khẩu đạt kim ngạch lên tới 23,9 tỷ USD (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), nhập khẩu là 5,2 tỷ USD.
b. Nhóm đối thủ cạnh tranh tương đồng:
Là khối kinh tế các nước có thị trường VTB tương đồng với thị trường VTB XNK VN, chọn lọc 05 quốc gia có “Tỷ trọng kim ngạch XNK (%) lớn nhất trên thị trường XNK hàng hóa của VN, trong khối ASEAN”.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan [68] và [Phụ lục 01], thị trường hàng hóa XNK của VN từ 2001-2014, XNK của VN và ASEAN năm 2013 đạt xuất khẩu là 18,47 tỷ USD và nhập khẩu là 21,64 tỷ USD.
Tại khu vực ASEAN, 05 quốc gia có tỷ trọng kim ngạch XNK (%) lớn nhất trên thị trường XNK hàng hóa của VN với các mức kim ngạch lần lượt là: Malaysia (4,9 tỷ USD), Thái Lan (3,1 tỷ USD), Singapore (2,7 tỷ USD), Indonexia (2,5 tỷ USD), Philippin (1,7 tỷ USD).
2.1.4.2 Sự cần thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh ngành vận tải biển
Cạnh tranh là một đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường. Ở đâu có nền kinh tế thị trường thì ở đó có cạnh tranh. Bất kỳ một DN nào cũng vậy, khi tham gia vào kinh doanh trên thị trường muốn DN mình tồn tại và đứng vững thì phải cạnh tranh. Vì vậy, nâng cao NLCT là một xu thế tất yếu trong môi trường quốc tế hóa nền kinh tế như hiện nay. Điều này không thể chỉ cạnh tranh ở cấp sản phẩm, cấp DN, cấp ngành mà còn ở cả trên phương diện một quốc gia. Trong giai đoạn VN gia nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay, do tác động của khoa học kỹ thuật và công nghệ, cạnh tranh giữa các DN và giữa các quốc gia ngày càng gay gắt và khốc liệt ở mọi loại hình kinh tế, đặc biệt về VTB.
Ngày nay trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là một điều kiện và là một yếu tố kích thích kinh doanh. Quy luật cạnh tranh là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, sản xuất hàng hoá ngày càng phát triển, hàng hoá sản xuất ra nhiều, số lượng người cung ứng ngày càng đông thì cạnh tranh ngày càng khốc liệt, kết quả cạnh tranh là loại bỏ những công ty làm ăn kém hiệu quả, năng suất chất lượng thấp và ngược lại nó thúc đẩy những công ty làm ăn tốt, năng suất chất lượng cao. Do vậy, muốn tồn tại và phát triển thì DN cần tìm mọi cách nâng cao khả năng cạnh tranh của mình nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, DN cần phải phát huy hết ưu thế của mình, tạo ra khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh từ đó DN mới có khả năng tồn tại, phát triển và thu được lợi nhuận cao.
Trong thời gian qua, VN đã gia nhập WTO, ngành VTB VN đã có những đóng góp lớn vào hoạt động trao đổi hàng hóa XNK, và thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, góp phần nâng cao tiềm lực và vị thế VN trên trường quốc tế, trong nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời ngành VTB VN đóng góp lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
VN gia nhập kinh tế quốc tế mang lại cơ hội lớn cho XNK hàng hóa bằng đường biển và cho ngành VTB VN. Tuy nhiên, các DN VTB trong ngành VTB VN cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt từ ngành VTB của các quốc gia khác, của các đối thủ cạnh tranh về VTB, đối mặt với những rào cản kỹ thuật công nghệ, quy mô và tính chất cạnh tranh quốc tế rất khắc nghiệt. Do đó, các DN VTB VN phải không ngừng nâng cao NLCT, điều tra nghiên cứu
thị trường VTB, tìm hiểu nhu cầu VTB của các chủ hàng XNK quốc tế. DN VTB nào bắt kịp và đáp ứng đầy đủ nhu cầu đó thì sẽ chiến thắng và giành lợi thế lớn trong cạnh tranh VTB.
Chính vì vậy, nâng cao NLCT ngành VTB là rất cần thiết, là việc làm tất yếu trong giai đoạn hiện nay, giúp cho DN ngành VTB VN tồn tại và phát triển, đồng thời đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.