Căn cứ áp dụng chế tài bồi thường thiệt hạ

Một phần của tài liệu Chế-tài-phạt-vi-phạm-và-bồi-thường-thiệt-hại-trong-hợp-đồng-mua-bán-hàng-hóa-theo-pháp-luật-thương-mại-Việt-Nam-thacsytv (Trang 33 - 35)

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước đây được quy định trong LTM 1997 bao gồm các yếu tố: có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại vật chất, có mối quan hệ trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại vật chất, có lỗi của bên vi phạm hợp đồng. LTM 2005 hiện nay đã bỏ đi căn cứ “ có lỗi của bên vi phạm hợp đồng”, việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại phát sinh khi chỉ cần có đủ các yếu tố sau: có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế và hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ bắt buộc khi áp dụng bất kì chế tài nào. Có thiệt hại thực tế xảy ra cho bên bị vi phạm là căn cứ bắt buộc phải có khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Mức độ bồi thường phụ thuộc vào

thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm. Vì vậy, muốn buộc bên vi phạm hợp đồng bồi thường thiệt hại thì trước hết phải có thiệt hại về tài sản và bên bị vi phạm phải chứng minh được mình có thiệt hại, mức độ thiệt hại và thiệt hại đó phải tính được bằng các phương pháp nhất định.

Thiệt hại thực tế là những thiệt hại tính được thành tiền mà bên bị vi phạm phải gánh chịu ( có thể là hàng hóa bị hư hỏng, mất mát, chi phí để ngăn ngừa thiệt hại lớn hơn…). Thiệt hại thực tế được chia thành thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp là tài sản bị mất mát, hư hỏng, các chi phí phải trả để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại. Loại thiệt hại này có thể được tính thành tiền một cách chính xác. Đối với thiệt hại gián tiếp, đây là loại thiệt hại phải dựa trên cơ sở chứng cứ tài liệu mới có thể xác định được. Biểu hiện cụ thể của nó là thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút, mất các khoản lợi đáng nhẽ được hưởng mà bên bị vi phạm phải chịu.

Hành vi vi phạm hợp đồng phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Có nghĩa là hành vi vi phạm phải luôn hàm chứa khả năng dẫn tới thiệt hại đó và thiệt hại đó xảy ra là sự hiện thực hóa khả năng nói trên. Trên thực tế, một hành vi vi phạm hợp đồng có thể gây ra nhiều khoản thiệt hại và một khoản thiệt hại cũng có thể được phát sinh do nhiều nguyên nhân.

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Ngoài ra bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lí để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.

Một phần của tài liệu Chế-tài-phạt-vi-phạm-và-bồi-thường-thiệt-hại-trong-hợp-đồng-mua-bán-hàng-hóa-theo-pháp-luật-thương-mại-Việt-Nam-thacsytv (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(85 trang)
w