THƯƠNG MẠI VIỆT NAM VỀ CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
3.1 Phương hướng sửa đổi pháp luật thương mại Việt Nam về chế tàiphạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa
Trong hoạt động thương mại, quan hệ giữa các thương nhân với nhau được thể hiện dưới nhiều hình thức pháp lý mà hợp đồng mua bán hàng hoá là một trong những dạng điển hình. Khi đã ký kết hợp đồng và hợp đồng có hiệu lực pháp luật, các bên phải thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hợp đồng. Bên vi phạm hợp đồng phải chịu trách nhiệm trước bên đối tác về hành vi vi phạm hợp đồng, hai trong các chế tài quan trọng thường được áp dụng khi có vi phạm là phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định hiện hành của pháp luật chưa thực sự rõ ràng. Điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi áp dụng chúng. Tác giả xin nêu ra một số phương hướng, định hướng hoàn thiện pháp luật về chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa:
- Về chế tài phạt vi phạm :
Việc BLDS 2015 và LTM 2005 quy định bắt buộc phải có sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng thì mới được áp dụng chế tài phạt vi phạm là không hợp lý với xu hướng đề cao sự tự do ý chí của các bên. Do đó, cần có những sửa đổi theo hướng: Hợp đồng không thoả thuận về việc phạt vi phạm, nhưng sau đó các bên có thoả thuận mới hoặc một bên thừa nhận vi phạm và chấp nhận mức phạt do bên bị vi phạm đưa ra thì không có lý do gì để không chấp nhận phạt vi phạm theo thỏa thuận của các bên.
Quy định về "giới hạn trên" của mức phạt (8%) chưa hợp lý lắm vì nếu một bên thấy mức thiệt hại mà họ phải chịu nếu thực hiện đúng hợp đồng còn cao hơn mức thiệt hại do nộp phạt thì họ sẽ "cố ý" vi phạm. Mục đích "răn đe" do đó sẽ không thực hiện được. Hơn nữa quy định này cũng can thiệp vào quyền tự do thoả thuận của các bên. Vì vậy, mức phạt tối đa 8% trong Luật Thương mại 2005 là quá thấp. Do đó khi sửa đổi Luật Thương mại, các nhà làm luật nên bỏ mức trần 8% này mà thay vào đó mức trần cao hơn để tăng tính răn đe cho chế tài.
Việc qui định phạt vi phạm với mục đích răn đe cũng có thể gây ra những nguy cơ nhất định trong việc áp dụng. Ví dụ theo thông luật (common law) áp dụng tại các nước Anh, Mỹ, Úc... các bên chỉ được thoả thuận về bồi thường theo mức định trước, mọi thoả thuận về phạt vi phạm đều vô hiệu. Như vậy một bản án của toà án hay phán quyết trọng tài chấp nhận hiệu lực của điều khoản phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại có thể sẽ bị toà án tại các nước theo hệ thống thông luật từ chối công nhận và thi hành. Do đó, pháp luật cần có những sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay.