Khi một hợp đồng mua bán hàng hóa được xác lập và có hiệu lực pháp luật thì quyền và nghĩa vụ của các bên thỏa thuận trong hợp đồng luôn được nhà nước thừa nhận và bảo vệ, các bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận. Việc vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán (không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ) sẽ dẫn đến bên vi phạm phải chịu những chế tài do pháp luật quy định. Chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại là hai chế tài được áp dụng thường xuyên khi có vi phạm hợp đồng xảy ra. Trong chương này, tác giả đã nêu lên những vấn đề lý luận cơ bản nhất về hợp đồng mua bán hàng hóa, vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa, chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. Những vấn đề lý luận cơ bản trong chương 1 là cơ sở, tiền đề để luận văn tiếp tục nghiên cứu về thực trạng thực hiện pháp luật thương mại Việt Nam về chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa trong chương 2. Ngoài ra trong chương này còn lưu ý, khi áp dụng chế tài phạt vi phạm phải chú ý đến mối quan hệ của nó với chế tài bồi thường thiệt hại và ngược lại. Đặc biệt phải lưu ý rằng: chỉ khi có thỏa thuận trong hợp đồng, phạt vi phạm mới được áp dụng khi có vi phạm xảy ra. Bồi thường thiệt hại thì được áp dụng ngay khi có hành vi vi phạm và có thiệt hại thực tế xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại mà không cần có thỏa thuận trong hợp đồng.
Chương 2