Khi kí kết hợp đồng, doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề thỏa thuận về chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng, để khi có hành vi vi phạm xảy ra có căn cứ đầy đủ để được áp dụng chế tài phạt vi phạm.
Một vấn đề khác cần lưu ý khi thỏa thuận về chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng, đó là mức phạt vi phạm: theo Điều 301 LTM 2005 chỉ quy định về mức phạt tối đa là 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm, mà không có một quy định cụ thể nào khác về mức phạt vi phạm cho từng trường hợp, nên nếu không thỏa thuận mức phạt cụ thể là bao nhiêu thì khi có tranh chấp xảy ra khó mà xác định mức phạt cụ thể.
Thực tế vấn đề này đã xảy ra rất nhiều, khi mà các doanh nghiệp thỏa thuận về phạt vi phạm, họ không nêu cụ thể mức phạt là bao nhiêu, nên khi xảy ra tranh chấp, việc thương lượng mức phạt giữa các bên trở nên rất phức tạp. Ngay cả khi tranh chấp được giải quyết tại tòa án và trọng tài, thì việc phạt vi phạm ở mức nào cũng gây khó khăn cho cơ quan tài phán trong việc định mức phạt.
Vậy để bảo đảm quyền lợi của mình, khi soạn thảo hợp đồng về chế tài phạt vi phạm doanh nghiệp cần đưa những vấn đề sau vào hợp đồng của mình:
- Áp dụng phạt vi phạm khi xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng, trừ các hành vi thuộc trường hợp miễn trách nhiệm;
- Quy định một mức phạt cụ thể, chi tiết trong nội dung hợp đồng nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Về chế tài bồi thường thiệt hại, vì bản chất của bồi thường thiệt hại là bồi hoàn lại những tổn thất do chính hành vi vi phạm gây ra. Nên khi soạn thảo hợp đồng không cần đưa vấn đề bồi thường thiệt hại vào nội dung hợp đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý một số điểm sau:
- Nghĩa vụ chứng minh tổn thất thuộc về bên yêu cầu bồi thường thiệt hại nên bên bị vi phạm phải có chứng cứ, tài liệu tốt nhất là bản gốc để xuất trình trước hội đồng trọng tài hoặc tòa án
- Về các trường hợp miễn trách nhiệm, chú ý do các sự kiện khách quan hoặc do lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm sẽ ko phải bồi thường thiệt hại.