Nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu KL NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG QH-2015 (Trang 35 - 42)

Cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới đó là xây dựng và phát triển đất nước theo những đường lối, tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Với đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất hai miền Nam Bắc và cùng quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội được coi là quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Cách mạng Việt Nam từ đây cũng đã chuyển sang một giai đoạn mới. Nhiệm vụ chiến lược thời kỳ này đó là xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ mới đã làm xuất hiện những yêu cầu mới, đòi hỏi sự đổi mới và chuyển biến một cách đồng bộ của Đảng, nhà nước và của nhân dân ta trên mọi mặt, mọi phương diện từ tổ chức đến hoạt động, từ bộ máy đến con người, từ phương thức, phương pháp lãnh đạo, quản lý, đến cơ chế, chính sách thực hiện, từ nhận thức đến hành động của mỗi cá nhân và tổ chức, của các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương. Có thể nói độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội chính là định hướng tư tưởng chính trị nòng cốt nhất, không thay đổi trong sự nghiệp chính trị của Đảng và nhà nước ta. Định hướng đó được thể hiện nhất quán và toàn diện trong mọi nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động của

toàn Đảng, toàn dân nhằm thực hiện đầy đủ và tốt nhất mục tiêu của đổi mới: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Việt Nam đi lên Chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, bỏ qua chế độ Tư bản chủ nghĩa. Trong quá trình đi lên Chủ nghĩa xã hội, nước ta gặp phải vô vàn những khó khăn như: là một nước nghèo, những tiền đề cơ sở vật chất kỹ thuật cho Chủ nghĩa xã hội còn chưa có. Một quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến tranh kéo dài nên sức sản xuất kém phát triển, trình độ công nghệ còn lạc hậu, người lao động đông về số lượng nhưng lại yếu kém về tay nghề; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng nhưng lại có trữ lượng ít và rất khó khai thác…Từ những khó khăn nêu trên có thể chỉ ra rằng, muốn tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh thì trước tiên nhân dân ta phải thoát ra khỏi nghèo đói. Nhìn lại thời kỳ trước đổi mới có thể thấy chúng ta đã mắc phải những sai lầm như sau: trong quá trình tổ chức thực hiện đi lên Xã hội chủ nghĩa chúng ta đã quá nóng vội, dẫn đến xác định sai lầm bước đi, không tập trung phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ mà tập trung ngay vào phát triển công nghiệp nặng. Đảng ta muốn làm nhanh, làm nhiều mà không biết tận dụng và phát triển lực lượng sản xuất đã có, cải tạo một cách ồ ạt, xây dựng kế hoạch tập trung, quan liêu, chưa biết kết hợp kế hoạch hóa với sử dụng thị trường, chưa phát huy được vai trò định hướng của kinh tế quốc doanh và vai trò là động lực phát triển của các thành phần kinh tế khác, do vậy đã có những hành động nóng vội, giản đơn trong công cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa. Chúng ta quá nôn nóng nên đã mắc nhiều sai lầm khi xác định mục tiêu và các bước đi trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế...

Chính vì vậy đã làm cho quan hệ sản xuất biến dạng mà vẫn bắt lực lượng sản xuất phải phù hợp với quan hệ sản xuất đó. Trong quá trình sản xuất chúng ta chỉ quan tâm đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng, hàng hóa khan hiếm, cơ chế phân phối bất cập, tệ nạn quan liêu, tham những vẫn còn tồn tại và không ngừng gia tăng. Trong khi đó, chúng ta vẫn giữ lối tư duy kinh tế cũ,

việc áp dụng theo mô hình kinh tế cũ “mệnh lệnh- chỉ huy” đã làm cho nền kinh tế bị khủng hoảng trầm trọng, sảm xuất bị trì trệ, lạm phát ra tăng, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn; cung không đủ cầu cùng với chế độ phân phối theo tem phiếu kéo dài do hàng hoá khan hiếm đã làm cho khó khăn càng chồng chất những khó khăn.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng: những sai lầm trong

việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đã làm tăng thêm khó khăn của tình hình kinh tế- xã hội; làm cuộc khủng hoảng ở nước ta thời kỳ này dường như rơi vào trạng thái bế tắc, không có lối thoát. Đây được coi là nhân tố chủ quan khiến tư duy lý luận của Đảng cần

phải đổi mới. Nguyên nhân dẫn đến những sai lầm trong việc lãnh đạo kinh tế bắt nguồn từ những tư tưởng chỉ đạo chủ quan, nóng vội, bảo thủ, trì trệ trong việc xác định mục tiêu, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Từ những thực tiễn đặt ra có thể thấy rằng, việc sửa chữa những sai lầm trong lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước là một trong những việc làm quan trọng, cấp thiết cần phải tiến hành ngay.

Đảng đã thừa nhận những lạc hậu, yếu kém về tư duy lý luận của các cán bộ, Đảng viên. Điều này được thể hiện rõ ở trình độ tư duy. Chúng ta vẫn đang đi theo lối tư duy thiên về kinh nghiệm, khái quát thực tiễn một cách vụn vặt, nhỏ lẻ, mảnh đoạn; chưa liên kết được các khối tri thức kinh nghiệm với nhau; chưa có khả năng phân tích, tổng hợp, khái quát tình hình thực tiễn. Đảng và nhà nước ta vẫn còn quá câu nệ vào câu chữ, sách vở mà không có khả năng vận dụng lý luận vào đời sống thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt, sáng tạo và biện chứng. Tư duy lý luận ở nước ta đang thiên về lập, yếu về luận.

Lối tư duy lưỡng cực: một cực thì khái quát thực tiễn vụn vặt, một cực thì lại mang tính chất sách vở làm cho khả năng phản ánh, nhận thức bị hạn chế. Lối tư duy thiên về kinh nghiệm, coi trọng kinh nghiệm, đề cao kinh nghiệm mà không thấy được ý nghĩa sâu sắc của tri thức lý luận trong phản

ánh đời sống hiện thực, không thể đi sâu vào bản chất bên trong, không phản ánh được mối liên hệ cơ bản, tất yếu của sự vật, không nắm bắt được quy luật vận động và phát triển của xã hội. Trong tư duy, nhận thức có dấu hiệu của tâm lý phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, họ dường như bị rập khuôn vào một mẫu số tư duy chung. Chủ thể tư duy ít có điều kiện và cơ hội để phát huy hết khả năng sáng tạo của mình. Sự khái quát thực tiễn một cách vụn vặt, không phản ánh được mối liên hệ mang tính quy luật, tất yếu của các sự vật, hiện tượng đã làm cho chức năng dự báo khoa học của tư duy rơi vào thoát ly thực tiễn, không bám sát thực tiễn, phản ánh không đúng xu thế vận động của thực tiễn, cũng như không đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn đang biến đổi về mặt lý luận.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã rút ra được bốn bài học lớn trong chỉ đạo của Đảng đối với sự phát triển của đất nước. Đó là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải lấy dân làm gốc, Đảng phải chăm lo xây dựng và phát huy quyền làm chủ cho nhân dân; xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới; và chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng . Những bài học đó cũng thể hiện tư tưởng chỉ đạo quan trọng của đổi mới, là cơ sở dẫn dắt Đảng ta trên con đường đổi mới để phát triển. Trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn nhận thấy vai trò quan trọng của cán bộ lãnh đạo trong công cuộc xây dựng đất nước. Ngay từ Đại hội lần thứ II (1951) Đảng đã chỉ ra một số bệnh mà cán bộ và đảng viên thường mắc phải, đó là bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi. Điều này ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện mục tiêu cách mạng và đến quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Với tư duy sai lầm đó, những vấn đề cơ bản của học thuyết hình thái kinh tế- xã hội như quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng, quy luật đấu tranh giai cấp... trong thời kỳ

quá độ lên Chủ nghĩa xã hội đã bị hiểu và giải thích sai lệch, dẫn tới việc cải tạo Xã hội chủ nghĩa đã mắc phải nhiều sai lầm. Trong việc củng cố quan hệ sản xuất mới và sử dụng các thành phần kinh tế, chúng ta đã nóng vội muốn xoá bỏ ngay các thành phần kinh tế tư nhân, tư bản nhà nước, mà ít chú ý đến đặc điểm của từng lĩnh vực ngành nghề hay địa phương để chọn lựa những hình thức phát triển phù hợp. Do vậy, để tồn tại và phát triển, Đảng và Nhà nước ta nhất thiết phải đổi mới mà trước hết là đổi mới trong tư duy, trong nhận thức về xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là đổi mới tư duy về xây dựng kinh tế.

Mọi sự vật đều nằm trong quá trình vận động, biến đổi và phát triển không ngừng nên khi xem xét bất kỳ sự vật, hiện tượng nào chúng ta cần phải xem xét và nhìn nhận nó trong sự vận động và phát triển, tìm xem xu hướng biến đổi và chuyển hóa của nó. Cần thấy rõ khuynh hướng vận động và phát triển của sự vật đấy trong tương lai, thấy được sự biến đổi đi lên tất yếu trong tương lai theo quy luật đường trôn ốc. Nắm vững được quan điểm này, trong vấn đề đổi mới kinh tế chúng ta cũng cần phải tìm ra phương pháp nhận thức đúng trong tư duy, từ đó có những tác động phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước theo hướng tích cực, mang lại lợi ích cho con người. Sự vật, hiện tượng luôn trong trạng thái vận động phát triển nên yêu cầu trong tư duy nhận thức của con người tuyệt đối không được phép bảo thủ trì trệ, mà phải luôn đổi mới, thay đổi sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn ở mỗi giai đoạn nhất định.

Tiểu kết chương 1

Tóm lại làm rõ những vấn đề lý luận chung về tư duy lý luận và đổi mới tư duy lý luận cũng như tính tất yếu của đổi mới tư duy lý luận về mô hình kinh tế thị trường là cơ sở quan trọng để nghiên cứu rõ vấn đề đổi mới tư duy lý luận của Đảng về mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay.

Tư duy lý luận là giai đoạn cao nhất của tư duy, đó là quá trình mà tư duy tiếp cận, nắm bắt, nhận thức và tái tạo hiện thực khách quan bằng lý luận và thường được thể hiện ra ở các giả thuyết, các lý thuyết có quan hệ tương hỗ với nhau. Khi đã hiểu rõ được tư duy lý luận, phân biệt rõ sự khác nhau giữa tư duy lý luận và tư duy kinh nghiệm, có thể khái quát được mối quan hệ giữa hai loại hình tư duy là mối quan hệ tương hỗ nhau thì từ đó có thể tìm ra được những vai trò cũng như tầm quan trọng của tư duy lý luận đối với việc định hướng phát triển Xã hội Việt Nam đặc biệt là trong vấn đề định hướng mô hình phát triển kinh tế thị trường. Có thể nói, tư duy lý luận giúp nhà nước vạch mở được bản chất của khách thể nghiên cứu, từ đó tạo ra bước chuyển về chất của đối tượng từ trạng thái này sang trạng thái khác. Tư duy lý luận đóng vai trò như là chất “keo dính” các sự vật, hiện tượng, cũng như các mối liên hệ của các sự vật hiện tượng ấy. Tư duy lý luận giúp gắn kết các hình ảnh hoạt động, vận hành bộ máy công cụ của mình để giúp cho nhận thức đi sâu vào bản chất của sự vật.

Cần kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tư duy lý luận với tư duy kinh nghiệm để phát huy những mặt mạnh cũng như khắc phục những hạn chế của mỗi loại hình tư duy. Cần đặt tư duy kinh nghiệm trong mối liên hệ thống nhất với tư duy lý luận vì chỉ có tư duy lý luận mới có thể khắc phục được tính chất hạn hẹp, phiến diện của tư duy kinh nghiệm.

Đổi mới tư duy lý luận được hiểu là đổi mới nhận thức của con người về đối tượng; đổi mới các cách thức, thao tác tư duy cũng như đổi mới phương pháp tư duy, phương pháp phản ánh về đối tượng. Đổi mới tư duy có vai trò quan trọng trong việc mở đường và tạo không gian cho sự phát triển

Tính tất yếu của đổi mới tư duy lý luận về mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam được chia làm hai loại. Nhân tố khách quan khiến tư duy lý luận của Đảng ta tất yếu phải đổi mới đó là do cuộc khủng hoảng của Chủ nghĩa xã hội hiện thực và vấn đề thời đại tác động trực tiếp đến nhận thức và những quyết sách đổi mới của Đảng ta. Bên cạnh đó, do những sai lầm trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng khiến cho tình hình kinh tế xã hội càng trở nên khó khăn. Điều đó thúc đẩy Đảng ta cần có những đổi mới một cách kịp thời để khắc phục những khó khăn đó.

Có thể thấy, mọi sự vật hiện tượng đều luôn trong trạng thái vận động, biến đổi không ngừng. Chính vì vậy khi xem xét bất cứ một sự vật nào chúng ta đều cần nhìn nhận, đặt chúng trong xu hướng biến đổi để từ đó tìm ra quy luật vận động của sự vật, hiện tượng đó. Nắm vững được những quan điểm này, trong vấn đề đổi mới tư duy kinh tế, trước tiên chúng ta cần tìm ra phương pháp nhận thức đúng trong tư duy từ đó có những tác động, đổi mới nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Để làm được điều đó, tư duy của mỗi người cần không ngừng thay đổi và sáng tạo cho phù hợp với sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng. Khi đã tìm hiểu rõ các vấn đề lý luận chung về tư duy lý luận và đổi mới tư duy lý luận, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận, phân tích và tìm hiểu một cách cụ thể hơn quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về mô hình kinh tế thị trường cũng như đưa ra được những giải pháp cơ bản nhằm tiếp tụ đổi mới tư duy mà tôi muốn đề cập đến ở chương 2.

Chương 2

QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI TƯ DUY LÝ LUẬN VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN ĐỂ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TƯ DUY LÝ LUẬN CỦA ĐẢNG VỀ

MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ơ VIỆT NAM

Một phần của tài liệu KL NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG QH-2015 (Trang 35 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w