Mọi sự vật- hiện tượng trong thế giới khách quan xung quanh chúng ta đều trải qua các quá trình sinh thành, vận động, phát triển và tiêu vong. Các sự vật, hiện tượng đó không do một lực lượng siêu nhiên nào tạo ra, không phải chịu sự tác động của bất kỳ sức mạnh thần thánh nào, mà sự hình thành, tồn tại và phát triển của chúng chỉ chịu sự tác động, chi phối của các quy luật khách quan, phổ biến như sự tích luỹ dần dần về lượng dẫn tới sự thay đổi về chất và ngược lại, sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, sự phủ định của phủ định. Sự tác động của các quy luật đó trong đối tượng đã tạo ra cơ chế, cơ sở, tiền đề, nguồn gốc và kết quả của sự phát triển. Tuy nhiên, quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng không diễn ra theo đường thẳng, mà thường là quanh co, phức tạp, đôi khi bao gồm cả những “bước thụt lùi tạm thời”.
Trong quá trình phát triển đó đôi lúc sự vật, hiện tượng bộc lộ những hạn chế, lỗi thời không phù hợp với thực tiễn, với điều kiện và hoàn cảnh mới. Chính vì vậy mà nó nghiễm nhiên trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của chính bản thân sự vật, hiện tượng. Và do vậy, để tiếp tục tồn tại và phát triển không có cách nào khác là phải loại bỏ những yếu tố đang cản trở ấy, phải có sự thay đổi, đổi mới nhất định trong tiến trình vận động và phát triển. Tuỳ theo đối tượng, lĩnh vực mà hình thức thay đổi phù hợp, có thể là tiến hành cải tổ, cải cách, đổi mới hay là tiến hành cuộc cách mạng. Mọi hình thức tiến hành đều nhằm một điểm là giải quyết những hạn chế, bế tắc, khủng hoảng để nhằm cải tạo đối tượng hoàn thiện hơn, tiến bộ hơn.
Sự phát triển của tư duy là khách quan và có tính quy luật. Nó diễn ra đồng thời với quá trình hoạt động của thực tiễn. Tư duy chính là đối tượng của nhận thức. Sự phát triển của tư duy không diễn ra theo một đường thằng mà tùy vào từng không gian, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà tư duy có lúc nhanh, lúc chậm, lúc ngưng đọng hay nhảy vọt. Mặt khác, sự phát triển nội tại của tư duy không dừng lại ở đó, mà vòng tròn “trôn ốc” của sự phát triển sẽ
hình thành một hình thức tư duy tiến bộ hơn phủ định hình thức tư duy cũ. Với tư duy biện chứng được phát triển và hoàn thiện từ phép biện chứng “lộn ngược đầu xuống đất” của Heghen, các nhà kinh điển Mácxit đã xây dựng được một phương pháp tư duy khoa học và cách mạng- đó là tư duy biện chứng duy vật.
Khi tư duy biểu hiện những dấu hiệu của tư duy kinh viện, kinh nghiệm, hình thức, thực dụng... thì buộc chủ thể tư duy phải có sự thay đổi. Sự thay đổi không phải đơn thuần là sự thay thế tư duy hình thức bằng tư duy kinh nghiệm, tư duy thực dụng bằng tư duy kinh viện mà sự đổi mới này phải theo hướng tốt hơn, tiến bộ hơn. Nó phải cho phép khắc phục được những hạn chế của tư duy hiện thời và đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Do vậy, “đổi mới là thay đổi hoặc làm cho sự thay đổi tốt hơn, tiến bộ hơn so với trước” [1, 657]. Đổi mới tư duy nhằm mục đích phản ánh bản chất, xác thực về đối tượng. Để đổi mới được, tư duy cần gắn liền với đối tượng, theo dõi sự vận động và phát triển của đối tượng.
Có thể thấy, mọi sự vật hiện tượng không ngừng vận động và phát triển, thực tiễn luôn thay đổi nên yêu cầu chủ thể cũng cần phải luôn đổi mới trên tất cả các mặt, các lĩnh vực hoạt động thực tiễn và nhận thức của mình.
Trong tiếng Việt, đổi mới được hiểu là thay đổi hoặc làm thay đổi cho tốt hơn, tiến bộ hơn so với trước, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Đổi mới là đặc điểm có tính quy luật của quá trình phát triển nói chung, của chủ nghĩa xã hội nói riêng. Thời kỳ đầu (nửa sau những năm 80 của thế kỷ trước) ở nước ta đổi mới được hiểu như là những suy nghĩ, những hành động riêng lẻ, cụ thể nhằm thay đổi một nhận thức, một cách làm nhất định nào đó có tính tình thế. Càng về sau, chúng ta càng nhận thức đầy đủ hơn về đổi mới như là vấn đề chiến lược lâu dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; nó bao quát toàn diện, không trừ lĩnh vực nào của quá trình đó.
Đổi mới còn là quá trình sửa lại những nhận thức chưa đúng về “cái cũ”,
đúng của ngày hôm qua, nhưng do hoàn cảnh đã thay đổi, hôm nay không còn thích hợp, cần từ tổng kết thực tiễn để khái quát lý luận nhằm bổ sung, phát triển nhận thức, phát triển nền tảng tư tưởng của chúng ta, nhằm làm cho nền tảng tư tưởng đó thực hiện hiệu quả hơn chức năng là cơ sở hoạch định và triển khai đường lối của Đảng, thúc đẩy đất nước phát triển.
Như vậy, đổi mới có thể có nhiều mức độ, quy mô và phương thức khác nhau. Từ yêu cầu cấp bách là sửa chữa sai lầm cho đến yêu cầu căn bản là xóa bỏ hệ thống quan điểm cũ kỹ lạc hậu lỗi thời để thay thế bằng hệ thống quan điểm mới hiện đại, tiên tiến. Đổi mới từ phương pháp tư duy cho đến nội dung tư duy.
Tư duy lý luận là những quá trình vận dụng hệ thống các khái niệm, phạm trù theo những nguyên tắc lôgic chặt chẽ, nhằm đạt đến chân lý, là quá trình tái tạo hiện thực, có khả năng phản ánh hiện thực một cách đúng đắn, sâu sắc. Sức mạnh của sự sáng tạo phải gắn liền với thực tiễn chứ không được thoát ly thực tiễn. Như vậy quá trình đổi mới tư duy lý luận được hiểu như sau:
Đổi mới tư duy trước hết cần đổi mới nhận thức của con người về đối tượng. Có thể thấy, khi thực tiễn thay đổi, những vấn đề cũ, những hoạch định,
con đường phát triển cũ có thể còn phù hợp nhưng cũng có thể đã bị lỗi thời, lạc hậu. Chính vì vậy, khi xã hội ngày càng phát triển, những vấn đề mới cũng sẽ được phát sinh trên cơ sở những nền tảng của sự phát triển cũ. Những vấn đề lý luận của sự phản ánh hiện thực cũ có thể tiếp tục thúc đẩy sự phát triển, tuy nhiên nó cũng có thể kìm hãm sự phát triển đó cả ở trong nhận thức và trong vấn đề cải tạo thực tiễn. Hệ thống những lý luận với các khái niệm, phạm trù không phải là những chân lý vĩnh viễn mà nó có thể thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi. Hệ thống các lý luận biểu hiện ra thành các khái niệm ấy có thể còn đúng nhưng chưa đầy đủ, nhưng cũng có thể nó đã lỗi thời, lạc hậu hoặc nếu trong trường hợp thực tiễn phát sinh ra một vấn đề hoàn toàn mới mà hệ thống lý luận chưa có một khái niệm nào để phản ánh cũng như giải quyết thì khi đó, chủ thể tư duy bắt buộc phải hoạt động để tạo ra những nhận
thức mới về vấn đề phát sinh. Cần phải đổi mới để tiếp nhận hiện thực khách quan một cách chính xác và hiệu quả nhất. Đổi mới tư duy giúp tạo ra được những bước phát triển mới trong tư duy, những bước chuyển trong tư duy đồng thời từ đó có thể tạo ra những bước chuyển trong hiện thực.
Trước đây chúng ta xây dựng mô hình kinh tế hiện vật với sự tuyệt đối hoá sở hữu xã hội (nhà nước và tập thể), với sự phát triển vượt trước của quan hệ sản xuất đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất đã dẫn tới sự kìm hãm sự phát triển kinh tế trong một thời gian dài. Sau khi tiến hành đổi mới tư duy về kinh tế, chúng ta xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường. Và khi hình thành mô hình kinh tế thị trường, vận hành dưới sự quản lý của nhà nước, thay thế cho cơ chế bình quân và bao cấp đã tạo ra bước chuyển về chất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Và đã tạo ra sự cải biến thực sự đời sống kinh tế- xã hội ở nước ta. Điều này cho thấy, các khái niệm cũ khi đã lỗi thời thì chúng sẽ không có khả năng tạo ra giá trị sử dụng cho việc thúc đẩy sự phát triển mà nó làm cho khả năng phát triển ấy bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải loại bỏ những khái niệm, phạm trù cũ không còn phù hợp và xây dựng những khái niệm, phạm trù mới. Tư duy phải tiếp cận với sự biến đổi của hiện thực để phản ánh hiện thực một cách nhanh chóng, chính xác.
Đổi mới tư duy lý luận là phương thức duy nhất có thể giải thoát tư duy ra khỏi phạm vi của cái cũ, cái lạc hậu, của cái khả năng để trở thành cái hiện thực. Đồng thời, việc mở rộng các lĩnh vực phản ánh, lĩnh vực đổi mới tư duy như kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục... sẽ giúp cho hệ thống lý luận ngày càng phong phú và đa dạng hơn, có khả năng chắt lọc được những tinh tuý để đủ khả năng đáp ứng vai trò chỉ đạo và định hướng cho hoạt động thực tiễn. Đổi mới tư duy lý luận để tạo ra những chân lý mới có khả năng khám phá, thám hiểm được nhiều hơn các góc cạnh của đời sống kinh tế- xã hội. Đổi mới tư duy lý luận về các lĩnh vực phải tiến hành đồng bộ và toàn diện. Nhằm
thúc đẩy mục tiêu Xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy phát triển của xã hội, phát triển của con người.
Thứ hai, đổi mới tư duy lý luận là phải đổi mới cách thức, thao tác tư duy. Tức là đổi mới việc sử dụng các thao tác tư duy như phân tích- tổng hợp,
phân loại- so sánh, lịch sử- logic... Các thao tác này phải được sử dụng một cách linh hoạt, tích cực, chủ động và sáng tạo. Quá trình đổi mới các thao tác tư duy này không phải là sự thay đổi các quy luật tư duy mà là làm cho sự vận dụng các thao tác tư duy có hiệu quả cao nhất. Phải có sự liên kết, kết hợp giữa các thao tác để nhằm phản ánh nhanh nhất và chính xác nhất về đối tượng. Việc vận dụng linh hoạt và sáng tạo các thao tác tư duy sẽ giúp chúng ta sẽ có thể bỏ qua những cái ngẫu nhiên, bề ngoài trong quá trình xử lý các dữ kiện. Đồng thời giúp cho quá trình tư duy có thể “rút ngắn” những thao tác nhất định trong quá trình phản ánh mà không nhất thiết phải trải qua những bước tuần tự vẫn có thể tìm ra được logic vận động của đối tượng một cách chính xác. Việc đổi mới thao tác tư duy giúp chủ thể tư duy có thể loại bỏ những tiểu tiết mà đi vào cái bản chất của đối tượng. Sự kết hợp các thao tác và sử dụng các thao tác có hiệu quả thì sẽ tạo ra những tri thức có tính chính xác ngày càng cao, càng tiến gần đến chân lý hơn, và góp phần tạo cải tạo thực tiễn.
Thứ ba, đổi mới tư duy lý luận là đổi mới phương pháp tư duy, đổi mới phương pháp phản ánh đối tượng. Đối tượng phản ánh không nằm trong sự
khu biệt, riêng lẻ mà thường xuyên nằm trong mối liên hệ phổ biến, phong phú, đa dạng. Bản thân các thuộc tính của đối tượng cũng luôn liên hệ và tác động qua lại với nhau. Nếu chỉ dùng phương pháp kinh nghiệm, kinh viện, hình thức... để tiếp cận đối tượng thì sẽ bó hẹp đối tượng trong phạm vi nhỏ lẻ, trong sự tĩnh tại, cô lập mà không thấy được sự rộng lớn và phong phú của sự vật, hiện tượng được phản ánh. Do đó, phương pháp tư duy biện chứng được xem như là phương pháp tối ưu nhất trong quá trình phản ánh sự vật, hiện tượng. Tư duy biện chứng luôn xem xét sự vật, hiện tượng trong sự vận động
và phát triển, trong sự biến đổi không ngừng. Tư duy biện chứng luôn xem xét đối tượng trong các mối liên hệ, trong sự tác động qua lại với các đối tượng khác nhau, cũng như mối quan hệ giữa các thuộc tính trong cùng một sự vật. Ở đây, tư duy biện chứng phản ánh được cả sự cô đọng, tĩnh tại, cả sự biến đổi, phản ánh nhanh nhạy và kịp thời với sự biến đổi của thực tiễn.
Khi nói đến tư duy mới hay đổi mới tư duy phát triển kinh tế- xã hội là nói tới những thay đổi lớn trong quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, trong pháp luật, thể chế và chính sách quản lý. Tư duy mới sẽ có chính sách mới, chính sách mới sẽ tạo ra phong trào mới, phong trào mới sẽ tạo ra kết quả mới. Vì thế, đổi mới tư duy là khởi đầu cho quá trình phát triển mới.
Với tư cách là hình thức phản ánh cao nhất về hiện thực khách quan, đổi mới tư duy là sự đổi mới một cách căn bản, sâu sắc, toàn diện, hệ thống cách nhìn nhận, phản ánh về sự vật, hiện tượng. “Đổi mới tư duy lý luận là
việc thay đổi cách tiếp cận, phương pháp tiếp cận trong việc nghiên cứu, tìm hiểu đối tượng. Quá trình đổi mới tư duy lý luận chính là quá trình làm
cho tư duy phản ánh kịp thời, phản ánh đúng, khách quan về sự vật, hiện tượng. Đồng thời có khả năng đưa ra những dự báo được khả năng phát triển của sự vật, hiện tượng. Nâng cao tính khoa học, tính cách mạng và khả năng cải tạo thế giới của nó. Đổi mới tư duy lý luận góp phần tạo ra tri thức lý luận mới để có thể định hướng, chỉ đạo sự phát triển cho sự vận động của thực tiễn.” [5, 29-30].
“Đổi mới tư duy lý luận không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy”[6, 125].
Có thể nhận thấy rằng, Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng đường lối đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế. Tư duy đổi mới của Đại hội đã đi vào thực tiễn đời sống kinh tế- xã hội, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của
thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội, là nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, mà thành tựu nổi bật là nước ta đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, và hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình, đang trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức...
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển kinh tế- xã hội ở nước ta còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, mà một trong những nguyên nhân là tư duy về phát triển kinh tế- xã hội đã tới hạn, nhiều chủ trương, chính sách không còn phát huy được tác dụng mạnh mẽ như giai đoạn đầu. Thời kỳ mới đòi hỏi phát triển đất nước toàn diện và đồng bộ hơn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... trong đó phát triển kinh tế- xã hội là trung tâm. Vì thế, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển kinh tế- xã hội, tạo động lực mới cho sự phát triển đột phá kinh tế- xã hội của đất nước.