4.3.2.1. Sức ép tăng dân số và ảnh hưởng của kinh tế thị trường Gia tăng dân số
Dân số gia tăng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm suy thoái tài nguyên rừng ở trong khu bảo tồn nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự gia tăng dân số dẫn đến tăng nhu cầu sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác
trong khi đó tài nguyên có hạn, nhất là tài nguyên đất cho sản xuất nông nghiệp. Hệ quả là mở rộng đất nông nghiệp, xâm lấn đất rừng và khai thác các nguồn tài nguyên rừng làm suy thoái đa dạng sinh học.Trong khu bảo tồn có nhiều thành phần dân tộc thiểu số khác nhau, phong tục sử dụng gỗ, củi tự nhiên của người dân sống trong và gần rừng đã tồn tại nhiều đời. Dân cư chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Kết quả phỏng vấn ở thôn Đồng Thông (xã Tuấn Mậu) là một ví dụ điển hình. Qua phỏng vấn cho thấy bình quân mỗi hộ có 5-6 sào ruộng trong khi đó năng suất lúa thấp 1,5- 2 tạ/sào. Dân cư có nương rẫy trong khu bảo tồn. Người dân có phong tục làm nhà bằng gỗ nên KBT cho phép người dân khai thác 7-8 m3 gỗ để làm nhà. Tỉ lệ tăng dân số các năm gần đây của Đồng Thông vào 1,3%. Dân số càng gia tăng, số hộ tăng lên thì nhu cầu khai thác càng lớn.
Sự đói nghèo
Theo thống kế năm 2013 của toàn huyện Sơn Động tỉ lệ đói nghèo là 68%. Đây là tỉ lệ lớn so với cả nước. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đói nghèo của người dân tại khu bảo tồn thiếu đất canh tác, đất xấu, chưa áp dụng những thành quả tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất còn thấp làm cho đời sống người dân khó khăn. Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ cho nhân dân vùng đệm tổng kinh phí 400 triệu đồng(40 triệu đồng/01 thôn, bản), thực hiện ở 10 thôn bản. Trong đó, tập trung vào các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng gồm: làm đường giao thông, đường nội đồng, công trình nước sạch, thủy lợi tưới tiêu và hệ thống thông tin liên lạc thôn bản. Đây là dự án được người dân đồng tình ủng hộ. Nhưng việc phát triển các mô hình kinh tế trang trại, nông lâm kết hợp, các mô hình kinh tế rừng, các mô hình kinh tế cộng đồng, kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống vẫn chưa được nhà nước quan tâm hỗ trợ.
Khu bảo tồn đã có dự án nâng cao đời sống người dân (dự án Bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân trong khu bảo tồn Tây Yên Tử- Nguồn vốn: Do tổ chức GTV - Italia tài trợ) nhưng phạm vi thực hiện chỉ ở một số thôn, thời gian thực hiện ngắn (1 năm), đời sống người dân chưa được cải thiện nhiều. Các dự án, chương trình về nâng cao thu nhập và đời sống người dân để giảm sự phụ thuộc vào rừng là điều rất cần thiết.
Ảnh hưởng của kinh tế thị trường
Kinh tế thị trường đã dẫn đến sự phân hóa xã hội sâu sắc, nhu cầu về vật chất ngày càng tăng thúc đẩy người dân xâm nhập vào rừng khai thác lâm sản để phục vụ nhu cầu của chính bản thân và gia đình. Mỗi khi các sản phẩm từ rừng có giá trị kinh tế cao thì đó là động lực kích thích sự khai thác của cộng đồng. Lợi nhuận từ việc khai thác lâm sản, đặc biệt là gỗ làm cho nhiều người bất chấp các hành vi vi phạm pháp luật để vào rừng khai thác trái phép nhằm thu lợi bất chính.
4.3.2.2. Nhận thức của cộng đồng còn thấp
Dân cư sống trong khu bảo tồn chủ yếu là các dân tộc thiểu số, họ ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài và các phương tiện thông tin đại chúng nên nhận thức của họ rất thấp. Tuy ban quản lý đã thực hiện công tác tuyên truyền nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra, người dân chưa tích cực tham gia; ở một số trạm Kiểm lâm địa bàn việc tham gia họp dân ở các thôn bản để lắng nghe, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân chưa thường xuyên, nên nhân dân ở một số địa bàn chưa hiểu hết vai trò trách nhiệm của công tác quản lý bảo vệ rừng, chưa tích cực tham gia QLBVR và tố giác các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Một số người dân trước lợi nhuận trước mắt,bất chấp pháp luật khai thác tài nguyên trái phép, hoặc che dấu, không phát giác, tố giác, những đối tượng vi phạm.
4.3.2.3. Năng lực quản lý và thi hành pháp luật còn hạn chế
Ban quản lý khu bảo tồn được giao quản lý diện tích rừng lớn, lực lượng mỏng, năng lực còn hạn chế về cả kiến thức chuyên môn và trình độ nghiệp vụ, thiếu các trang thiết bị, phương tiện để thi hành nhiệm vụ có hiệu quả, trong khi đó quá trình quản lý gặp nhiều khó khăn như: rừng Khu Bảo tồn nằm ở 2 khu cách biệt nhau (hai phân khu Tây Yên Tử và phân khu Khe Rỗ cách nhau 80km), giáp ranh nhiều tỉnh, nhiều huyện; tài nguyên rừng quanh khu vực và gần rừng đặc dụng thực sự đã cạn kiệt, cùng với hoạt động sản xuất trong và gần rừng đặc dụng như: Thăm dò, khai thác khoáng sản than; xây dựng du lịch sinh thái Khe Rỗ; xây dựng du lịch tâm linh Đồng Thông đây là cơ hội cho nhiều đối tượng lợi dụng trộm cắp tài nguyên rừng.
Chính quyền địa phương ở một số xã trong khu bảo tồn chưa thực sự vào cuộc chỉ tham gia vào một số công tác như phối hợp, tuyên truyền vận động nhân dân không vào phá rừng còn việc bảo vệ, quản lý rừng thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo BQL yếu chưa đồng bộ, phương pháp lãnh đạo còn hạn chế, công tác kiểm tra, giám sát cán bộ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ còn thấp, chưa chủ động trong công việc được giao, dẫn đến hiệu quả chất lượng công việc chưa cao, hiện tượng khai thác lâm sản trái phép vẫn xảy ở một số nơi trên địa bàn đặc biệt là khu vực giáp ranh việc phát hiện chậm, chưa được khắc phục, ngăn chặn kịp thời. Ở khu vực phân khu Khe Rỗ ngoài lực lượng kiểm lâm, phân khu có đội bảo vệ rừng với quân số là 12 người. Nhưng lực lượng này đôi khi chưa thực thi hết trách nhiệm của mình, có thể là do phụ cấp còn thấp họ chưa yên tâm công tác và nhiều khi là quen biết với đối tượng phá rừng nên không xử lý nghiêm các vụ phá rừng vẫn để các vụ lâm tặc phá rừng xảy ra.
Công tác chỉ đạo, đôn đốc, phối kết hợp trong tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng của cán bộ địa bàn với tổ chức, hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng chưa chặt chẽ, thường xuyên. Công tác tham mưu cho lãnh đạo cũng như chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng hạn chế.