Mục tiêu chung của bất cứ doanh nghiệp nào, bao gồm cả các ngân hàng thương mại chính là lợi nhuận. Muốn đạt được mục tiêu gia tăng lợi nhuận, các ngân hàng không những phải tìm cách gia tăng thu nhập mà còn phải tiết giảm chi phí. Do đó, các nhà quản trị ngân hàng cần có các biện pháp kiểm soát chi phí một cách tối ưu nhất, giúp ngân hàng giảm chi phí, hạn chế các khoản chi phí không cần thiết từ đó gia tăng lợi nhuận.
Kiểm soát chi phí còn có tác động đến giá của sản phẩm cho vay. Kiểm soát chi phí sản phẩm cho vay hiệu quả sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại giảm được chi phí đầu vào, giảm giá vốn, là cơ sở để ngân hàng đưa ra mức giá bán cạnh tranh hơn. Mức giá bán hay lãi suất cho vay hợp lý, cạnh tranh sẽ giúp cho ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng, tạo điều kiện tăng trưởng về quy mô tín dụng, từ đó tăng thu nhập và lợi nhuận cho ngân hàng.
Lợi nhuận tăng tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại có nguồn vốn để trích lập các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, từ đó tạo tiền đề giúp ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh, trang bị thêm nhiều thiết bị công nghệ hiện đại...Lợi nhuận cũng là một nguồn dự trữ để ngân hàng có thể bù đắp các thiệt hại do rủi ro tín dụng và các rủi ro khác gây ra thông qua quỹ dự phòng tài chính, giúp cho hoạt động của ngân hàng ổn định và an toàn hơn. Ngoài ra, lợi nhuận gia tăng cũng là cơ sở để ngân hàng tăng lương, tăng phúc lợi cho cán bộ nhân viên, khuyến khích nhân viên làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, việc có được lợi nhuận và gia tăng lợi nhuận còn giúp gia tăng lợi tức cho các cổ đông, thu hút các cổ đông đầu tư vào phát triển và mở rộng hoạt động của ngân hàng.