NGHĨA CỦA KIỂM SOÁT CHI PHÍ VÀ ĐỊNH GIÁ SẢN PHẨM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chi phí và định giá sản phẩm cho vay tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn (Trang 33 - 35)

CHO VAY

1.3.1. Ý nghĩa của kiểm soát chi phí sản phẩm cho vay

Mục tiêu chung của bất cứ doanh nghiệp nào, bao gồm cả các ngân hàng thương mại chính là lợi nhuận. Muốn đạt được mục tiêu gia tăng lợi nhuận, các ngân hàng không những phải tìm cách gia tăng thu nhập mà còn phải tiết giảm chi phí. Do đó, các nhà quản trị ngân hàng cần có các biện pháp kiểm soát chi phí một cách tối ưu nhất, giúp ngân hàng giảm chi phí, hạn chế các khoản chi phí không cần thiết từ đó gia tăng lợi nhuận.

Kiểm soát chi phí còn có tác động đến giá của sản phẩm cho vay. Kiểm soát chi phí sản phẩm cho vay hiệu quả sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại giảm được chi phí đầu vào, giảm giá vốn, là cơ sở để ngân hàng đưa ra mức giá bán cạnh tranh hơn. Mức giá bán hay lãi suất cho vay hợp lý, cạnh tranh sẽ giúp cho ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng, tạo điều kiện tăng trưởng về quy mô tín dụng, từ đó tăng thu nhập và lợi nhuận cho ngân hàng.

Lợi nhuận tăng tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại có nguồn vốn để trích lập các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, từ đó tạo tiền đề giúp ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh, trang bị thêm nhiều thiết bị công nghệ hiện đại...Lợi nhuận cũng là một nguồn dự trữ để ngân hàng có thể bù đắp các thiệt hại do rủi ro tín dụng và các rủi ro khác gây ra thông qua quỹ dự phòng tài chính, giúp cho hoạt động của ngân hàng ổn định và an toàn hơn. Ngoài ra, lợi nhuận gia tăng cũng là cơ sở để ngân hàng tăng lương, tăng phúc lợi cho cán bộ nhân viên, khuyến khích nhân viên làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, việc có được lợi nhuận và gia tăng lợi nhuận còn giúp gia tăng lợi tức cho các cổ đông, thu hút các cổ đông đầu tư vào phát triển và mở rộng hoạt động của ngân hàng.

1.3.2. Ý nghĩa của việc định giá sản phẩm cho vay đối với ngân hàng thương mại mại

Trên cơ sở kinh tế học, nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận được áp dụng để tìm ra mức giá phù hợp cho mỗi sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, với những tính chất và đặc thù riêng nên việc định giá hợp lý cho sản phẩm tài chính luôn là một bài toán khó đối với các nhà quản trị ngân hàng. Không phải ngân hàng nào cũng xây dựng được cho riêng mình một mô hình định giá hiệu quả, tuy vậy, việc định giá sản phẩm cho vay đối với các ngân hàng luôn mang lại những ý nghĩa to lớn:

- Việc xây dựng được mô hình định giá sản phẩm cho vay hiệu quả sẽ giúp cho các nhà quản trị kịp thời đưa ra những mức lãi suất hợp lý, giành được ưu thế cạnh tranh so với các đối thủ, nhất là trong những thời kỳ lãi suất biến động mạnh.

- Việc định giá sản phẩm cho vay giúp cho các nhà quản trị có cái nhìn tổng quan về lợi nhuận kinh doanh, xác định được các yếu tố có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh thông qua chênh lệch giá vốn của nguồn vốn đầu vào và nguồn vốn đầu ra. Từ đó hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc định hướng kế hoạch kinh doanh cho từng chi nhánh hoặc cho toàn ngân hàng.

- Với góc độ kế toán quản trị chi phí, mô hình định giá vốn với đầy đủ các yếu tố có liên quan sẽ giúp nhà quản trị điều chỉnh lợi nhuận ngân hàng theo mong muốn, thông qua việc tác động vào các yếu tố có ảnh hưởng lớn. Điều tiết chi phí hoạt động của ngân hàng hợp lý nhất mà vẫn có được một cơ cấu vốn ổn định.

Mỗi phương pháp định giá có những ưu điểm và nhược điểm riêng nhưng đều đem lại cho các nhà quản trị cái nhìn bao quát về các yếu tố cấu thành giá của sản phẩm. Việc tổng hợp các yếu tố và định lượng các yếu tố đó để đưa ra một mô hình định giá vốn đầu vào – đầu ra cho nguồn vốn của ngân hàng có ý nghĩa lớn, hỗ trợ cho hoạt động xây dựng và đánh giá kết quả kinh doanh của ngân hàng.

1.3.3. Mối quan hệ giữa kiểm soát chi phí và định giá sản phẩm cho vay

Chi phí là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng thương mại, do đó kiểm soát chi phí luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà quản trị ngân hàng.

Chi phí là nhân tố chủ yếu cấu thành nên giá vốn của sản phẩm cho vay. Vì vậy, việc kiểm soát chi phí hiệu quả sẽ giúp cho các nhà quản trị ngân hàng xác định giá thành tối thiểu của sản phẩm cho vay, từ đó đưa ra mức giá bán sản phẩm cho vay hợp lý, đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Tránh trường hợp định giá bán quá thấp (thấp hơn giá vốn) dẫn đến thua lỗ, hoặc định giá bán quá cao không giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Trên cơ sở tính toán, định giá sản phẩm cho vay, các nhà quản trị sẽ nhận diện được các loại chi phí, đặc biệt là các loại chi phí kiểm soát được và mức độ ảnh hưởng của các loại chi phí đến giá thành sản phẩm cho vay. Từ đó, các nhà quản trị sẽ đề ra các biện pháp kiểm soát chi phí hợp lý, hiệu quả, nên bỏ qua những chi phí không thuộc phạm vi kiểm soát của mình hoặc những chi phí có mức độ ảnh hưởng thấp đến giá thành sản phẩm cho vay vì có thể hiệu quả của việc kiểm soát sẽ không bằng so với công sức và thời gian bỏ ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm soát chi phí và định giá sản phẩm cho vay tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)