Lợi ích của các hệ thống nông lâm kết hợp và một số hạn chế trong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến sản lượng nghệ và cỏ VA06 trồng xen quế tại xã viễn sơn, huyện văn yên, tỉnh yên bái​ (Trang 26 - 29)

CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.4. Lợi ích của các hệ thống nông lâm kết hợp và một số hạn chế trong

cứu và phát triển nông lâm kết hợp ở Việt Nam

1.4.1. Các lợi ích của nông lâm kết hợp

Thực tiễn sản xuất cũng như nhiều công trình nghiên cứu trung và dài hạn ở nhiều nơi trên thế giới đã cho thấy nông lâm kết hợp là một phương thức sử dụng tài nguyên tổng hợp có tiềm năng thoả mãn các yếu tố của phát triển nông thôn và miền núi bền vững. Các lợi ích mà nông lâm kết hợp có thể mang lại rất đa dạng, tuy nhiên có thể chia thành 2 nhóm nhóm các lợi ích trực tiếp cho đời sống cộng đồng và nhóm các lợi ích gián tiếp cho cộng đồng và xã hội.

* Các lợi ích trực tiếp của nông lâm kết hợp

Cung cấp lương thực và thực phẩm: Nhiều mô hình nông lâm kết hợp được hình thành và phát triển nhằm vào mục đích sản xuất nhiều loại lương thực thực phẩm, có giá trị dinh dưỡng cao đáp ứng nhu cầu của hộ gia đình. Điển hình là hệ thống VAC được phát triển rộng rãi ở nhiều vùng nông thôn ở nước ta. Ưu điểm của các hệ thống nông lâm kết hợp là có khả năng tạo ra sản phẩm lương thực và thực phẩm đa dạng trên một diện tích đất mà không yêu cầu đầu vào lớn.

Các sản phẩm từ cây thân gỗ: Việc kết hợp cây thân gỗ trên nông trại có thể tạo ra nhiều sản phẩm như gỗ, củi, tinh dầu, v.v. Để đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu cho hộ gia đình.

Tạo việc làm: Nông lâm kết hợp gồm nhiều thành phần canh tác đa dạng có tác dụng thu hút lao động, tạo thêm ngành nghề phụ cho nông dân.

Tăng thu nhập nông hộ: Với sự phong phú về sản phẩm đầu ra và ít đòi hỏi về đầu vào, các hệ thống nông lâm kết hợp dễ có khả năng đến lại thu nhập cao cho hộ gia đình. Giảm rủi ro trong sản xuất và tăng mức an toàn lương thực: Nhờ có cấu trúc phức tạp, đa dạng được thiết kế nhằm làm tăng các quan hệ tương hỗ (có lợi) giữa các thành phần trong hệ thống, các hệ thống nông lâm kết hợp thường có tính ổn định cao trước các biến động bất lợi về điều kiện tự nhiên (như dịch sâu bệnh, hạn hán, v.v.). Sự đa dạng về loại sản phẩm đầu ra cũng góp phần giảm rủi ro về thị trường và giá cho nông hộ.

* Các lợi ích của nông lâm kết hợp trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường

+ Nông lâm kết hợp trong bảo tồn tài nguyên đất và nước

Hơn 20 năm nghiên cứu nông lâm kết hợp phối hợp với các kết quả nghiên cứu về sinh thái học, nông nghiệp, lâm nghiệp và khoa học đất đã cho thấy các hệ thống nông lâm kết hợp nếu được thiết kế và quản lý thích hợp sẽ có khả năng giảm dòng chảy bề mặt và xói mòn đất duy trì độ mùn và cải thiện lý tính của đất và phát huy chu trình tuần hoàn dinh dưỡng, tăng hiệu quả sử dụng dinh dưỡng của cây trồng và vật nuôi. Nhờ vậy làm gia tăng độ phì của đất, tăng hiệu quả sử dụng đất và giảm sức ép của dân số gia tăng lên tài nguyên đất (Young, 1997).

Ngoài ra, trong các hệ thống nông lâm kết hợp do hiệu quả sử dụng chất dinh dưỡng của cây trồng cao nên làm giảm nhu cầu bón phân hóa học, vì thế giảm nguy cơ ô nhiễm các nguồn nước ngầm (Young, 1997).

+ Nông lâm kết hợp trong bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học:

Thông qua việc cung cấp một phần lâm sản cho nông hộ, nông lâm kết hợp có thể làm giảm tốc độ khai thác lâm sản từ rừng tự nhiên. Mặt khác, nông lâm kết hợp là phương thức tận dụng đất có hiệu quả nên làm giảm nhu cầu mở rộng đất nông nghiệp bằng khai hoang rừng. Chính vì vậy mà canh tác nông lâm kết hợp sẽ làm giảm sức ép của con người vào rừng tự nhiên, giảm tốc độ phá rừng (Young, 1997). Các hộ nông dân qua canh tác theo phương thức này sẽ dần dần nhận thức được vai trò của cây thân gỗ trong việc bảo vệ đất, nước và sẽ có đổi mới về kiến

thức, thái độ có lợi cho công tác bảo tồn tài nguyên rừng.

Việc phối hợp các loài cây thân gỗ vào nông trại đã tận dụng không gian của hệ thống trong sản xuất làm tăng tính đa dạng sinh học ở phạm vi nông trại và cảnh quan. Chính vì các lợi ích này mà nông lâm kết hợp thường được chú trọng phát triển trong công tác quản lý vùng đệm xung quanh các khu bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn nguồn tiền

+ Nông lâm kết hợp và việc làm giảm hiệu ứng nhà kính:

Nhiều nhà nghiên cứu gợi ý rằng sự phát triển nông lâm kết hợp trên qui mô lớn có thể làm giảm khí CO2 và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác (Dioxon, 1995, 1996; Schroeder, 1994). Các cơ chế của tác động này có thể là: Sự đồng hóa khí CO2 của cây thân gỗ trên nông trại gia tăng lượng cacbon trong đất và giảm nạn phá rừng (Young, 1997).

1.4.2. Một số hạn chế trong nghiên cứu và phát triển nông lâm kết hợp ở Việt Nam Nam

Có thể chia các hệ thống nông lâm kết hợp ở Việt Nam thành 2 nhóm các hệ thống nông lâm kết hợp bản địa và các hệ thống nông lâm kết hợp mới được đưa vào. Một thực trạng đã được chỉ ra và phân tích bởi một số nhà nghiên cứu là trong khi các hệ thống bản địa hoạt động một cách có hiệu quả, là kế sinh nhai của nông dân từ nhiều năm nay thì phần lớn các "mô hình" nông lâm kết hợp mới du nhập trong những năm gần đây bộc lộ nhiều hạn chế về tính hiệu quả, độ bền vững, tính công bằng và sự chấp nhận của người dân địa phương.

Vấn đề cốt lõi của sự hạn chế này là do các "mô hình" được thiết kế và áp dụng theo lối suy diễn của người bên ngoài (thường là người miền xuôi), lại thường được áp dụng một cách đồng bộ nên không phù hợp với các tính huống sinh thái nhân văn đa dạng và đặc thù của từng địa phương. Việc sử dụng thuật ngữ "mô hình nông lâm kết hợp" thay vì "hệ thống nông lâm kết hợp hoặc "tập quán/phương thức nông lâm kết hợp" có thể là nguyên nhân của lối suy nghĩ phát triển theo lối suy diễn đơn giản -"sao chép và nhân rộng mô hình" trong phát triển nông lâm kết hợp ở nhiều vùng của nước ta. Hơn nữa, phương pháp tiếp cận nghiên cứu và phát triển

nông lâm kết hợp thường thiên lệch về kinh tế - kỹ thuật cô lập, chưa phối hợp được các kỹ thuật mới với các yếu tố kiến thức kỹ thuật, đặc điểm văn hóa và nhân văn truyền thống của các cộng đồng địa phương. Công tác phát triển kỹ thuật nông lâm kết hợp nhiều nơi vẫn tiến hành theo lối áp đặt từ trên xuống, chưa phát huy được nội lực và tính tự chủ của nông dân và cộng đồng dẫn đến tính bền vững của các chương trình phát triển còn thấp. Các nghiên cứu phân tích đánh giá các mô hình thường còn quá chú trọng về yếu tố kinh tế kỹ thuật và xem nhẹ khía cạnh xã hội thể chế cũng như tương tác của các hệ thống nông lâm kết hợp với môi trường và cảnh quan. Vẫn còn quá ít các kết quả nghiên cứu so sánh hệ thống nông lâm kết hợp với các hệ thống nông nghiệp, lâm nghiệp trên các phương diện sinh thái, môi trường và kinh tế do thiếu các dự án nghiên cứu/điểm nghiên cứu dài hạn.

Việc qui hoạch phát triển nông lâm kết hợp thường được tiến hành một cách độc lập tách rời với tiến trình qui hoạch sử đụng đất ở nhiều nơi nên thường dẫn đến việc đưa các "mô hình" nông lâm kết hợp thay thế các loại hình sử dụng đất hiện có. Trong khi đó về mặt nguyên lý thì việc phát triển nông lâm kết hợp phải được dựa trên cơ sở chẩn đoán các hạn chế trong sử dụng đất hiện hành và điều chỉnh chúng hơn là thay thế hoàn toàn (Young, 1987, 1997). Chính vì thế, phát triển nông lâm kết hợp cần phối hợp và lồng ghép với tiến trình qui hoạch sử dụng đất cũng như qui hoạch quản lý khu vực đầu nguồn. Để có thể thúc đẩy quá trình phát triển nông lâm kết hợp trong thực tiễn có hiệu quả, phù hợp với nông dân, đảm bảo tính bền vững và công bằng, cán bộ kỹ thuật cần được trang bị các kiến thức và kỹ năng và thái độ có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau: Sinh thái học, sinh thái nhân văn, các khoa học lâm nghiệp, nông học, chăn nuôi, thủy sản, quản lý bảo tồn đất và nước, phân tích kinh tế nông trại, các phương pháp nghiên cứu hệ thống và tiếp cận nghiên cứu-phát triển có sự tham gia, v.v… Cũng như sự am hiểu sâu sắc về điều kiện sinh thái và nhân văn cụ thể của từng địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến sản lượng nghệ và cỏ VA06 trồng xen quế tại xã viễn sơn, huyện văn yên, tỉnh yên bái​ (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)