Kết quả và phân tích kết quả
3.2.1. Điều kiện tự nhiên.
3.2.1.1. Vị trí, toạ độ địa lý.
Xã Hướng Sơn có toạ độ địa lý: Từ 16044, đến 16053, vĩ độ Bắc, và 106035, đến 106047,kinh độ Đông có đường ranh tiếp giáp với:
Phía Bắc giáp Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hoá và huyện Gio Linh. Phía Nam giáp Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hoá và xã Hướng Phùng.
Phía Đông, phía Nam giáp Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hoá, xã Hướng Linh và hai huyện Gio Linh, huyện Đakrông.
Phía Tây giáp xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hoá.
3.2.1.2. Địa hình.
Hướng Sơn là xã miền núi nằm trong khu vực biên giới (Việt - Lào) của huyện Hướng Hoá có địa hình phức tạp lắm thác nhiều nghềnh, và có độ cao giảm dần từ Tây sang Đông. Địa hình bị chia cắt bởi các hệ thống dông, suối với các dãy núi đá vôi dốc đứng xen kẽ. Phần phía Đông Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hoá là lưu vực đầu nguồn sông Hiếu Giang bao gồm 6 tiểu khu và có 03 thôn định cư sinh sống. Phần phía Nam Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hoá là lưu vực đầu nguồn của Nhà máy Thuỷ điện Rào Quán gồm 8 tiểu khu; có 04 thôn định cư và sinh sống lâu đời ở đây, là thượng nguồn của con sông Thạch Hãn.
3.2.1.3. Khí hậu, thời tiết.
- Khí hậu Hướng Sơn mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa. Trong năm thường phân biệt hai mùa rõ rệt.
+ Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 04 năm sau. + Mùa mưa từ tháng 05 đến tháng 11 trong năm.
+ Nhiệt độ bình quân năm 22,4oC, nhiệt độ trung bình cao nhất là 26,9oC, nhiệt độ trung bình thấp nhất là 19,7oC.
+ Tổng lượng nhiệt bình quân trong năm 8.000oC
Chế độ mưa: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 05 và kết thúc vào tháng 11 trong năm. Lượng mưa trung bình khoảng 2.262,4 mm/năm. Tổng số ngày mưa trong năm trung bình là 161,1 ngày, mưa tập trung vào tháng 06 đến tháng 11. Mùa khô lượng mưa chỉ chiếm 9 -10 % tổng lượng mưa cả năm.
+ Lượng bốc hơi: Bình quân hàng năm là 874,3 mm, năm cao nhất là 890,5 mm, năm thấp nhất là 502,3 mm.
+ Độ ẩm không khí: Qua theo dõi nhiều năm cho thấy độ ẩm bình quân các tháng trong năm ở Hướng Sơn là 87%, tháng cao nhất là 91%, tháng thấp nhất là 80% và độ ẩm không khí tối thấp bình quân năm 66%, tháng thấp nhất là 50%.
+ Số ngày sương mù: Sương mù thường xuất hiện vào các tháng trong năm, nhưng tập trung nhiều nhất vào các tháng 1, tháng 2, tháng 3, tháng 4 và tháng 12. Thông thường hàng năm có khoảng 71,9 ngày xuất hiện sương mù.
+ Gió bão: Gió thịnh hành ở Hướng Sơn là gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc, tốc độ gió trung bình 3 m/s. Bão ít xuất hiện ở địa bàn, mức độ ảnh hưởng của bảo là không lớn.
+ Chế độ chiếu sáng: Tổng số giờ nắng trung bình một năm là1.886,7 giờ, tháng thấp nhất là 81,3 giờ ( tháng 2), tháng cao nhất là 250,4 giờ (tháng7).
3.2.1.4. Các nguồn tài nguyên.
- Tài nguyên nước:
+ Nước mặt: Nguồn nuớc mặt ở Hướng Sơn tương đối dồi dào và phong phú được hình thành từ hệ thống sông suối Tà Bung, khe Ra Ly xuống hồ Rào Quán rồi chảy vào sông Thạch Hãn. Thượng nguồn sông Hiếu Giang và sông Thạch Hãn có tổng diện tích hai lưu vực là 20. 456 ha. Đầu nguồn sông Thạch Hãn được bắt nguồn từ hướng Bắc và Tây Bắc chảy về hướng Đông và Đông Nam. Thượng nguồn sông Hiếu Giang được hình thành từ hướng Tây và Tây Nam rồi chảy theo hướng Đông và Đông Nam. Đây là nguồn nước chính cung cấp cho hoạt động sản xuất lâm nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
+ Nguồn nước ngầm: Là một trong những xã nằm ở vùng cao của huyện, địa hình phức tạp có độ dốc lớn, nhiều khe suối chi chít chảy qua, do vậy nguồn nước
ngầm trên địa bàn dân cư của 07 thôn tương đối dồi dào. Các giếng khơi trong xã với độ sâu 3-5 m đã có khả năng cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt quanh năm.
- Tài nguyên rừng: Trước đây hệ sinh thái rừng tự nhiên núi đất và trên núi đá vôi của Hướng Sơn khá phong phú với nhiều loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: Lim xanh, Sến, Gụ mật, Gụ lau, Sa nhân, Mây, Song. Nhưng do hai cuộc chiến tranh tàn khóc mà đặc biệt là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Đế quốc Mỹ đã ném xuống đây hàng ngàn tấn bom, đạn và chất độc màu da cam, cùng với tình trạng khai thác rừng bừa bãi quá mức; sự phá rừng làm nương rẫy trong nhiều năm của đồng bào đã dẫn đến tài nguyên rừng của xã cũng như của khu vực nói chung dần cạn kiệt. Tuy nhiên trong những năm gần đây việc quản lý bảo vệ rừng đã được chính quyền và nhân dân Hướng Sơn quan tâm, nên rừng tự nhiên đang dần được phục hồi và phát triển. Theo điều tra phân ba loại rừng cấp xã của Trung tâm Điều tra Quy hoạch Thiết kế Nông - Lâm tỉnh Quảng Trị năm 2006 cho thấy rừng Hướng Sơn hiện còn 5.608,6 ha rừng tự nhiên và rất đa dạng về gen, đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái. Do vậy, việc quản lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên quý giá còn lại này sẽ mang lại thu nhập, cải thiện môi trường, tăng cường chức năng phòng hộ; giữ đất, giữ nước một cách đáng kể cho nhân dân trong xã nói riêng và cho toàn xã hội nói chung. Diện tích rừng trồng 220 ha chiếm 2,04% và đất chưa sử dụng 4.383,5 ha chiếm 40,71 % tổng diện tích đất tự nhiên của xã. Diện tích 220 ha rừng trồng chủ yếu là rừng keo các loại được gây trồng vào năm 2003 và do việc đầu tư chăm sóc là chưa thoả đáng nên chất lượng rừng trồng chưa cao.
- Tài nguyên đất: Theo tài liệu thổ nhưỡng của huyện, tỉnh thì trên địa bàn xã có những loại đất chính chủ yếu như sau:
Đất núi đá K2 với diện tích 74,7 ha.
Đất Ferralit mùn đỏ vàng trên đá macma axit (FHa) với diện tích 2.300,0 ha. Đất Ferralit đỏ vàng trên đá sét và biến chất (Fs) với diện tích 3.342,3 ha. Đất Ferralit đỏ vàng trên đá mac ma axit (Fa) với diện tích 5.050,0 ha.
Cảnh quan môi trường: Cảnh quan của xã mang đậm nét đặc trưng của một xã nông thôn miền núi, nhân dân trong xã sinh sống tập trung theo đơn vị thôn, bản tạo thành các cụm dân cư dọc theo đầu nguồn hai con sông Rào Quán, sông Hiếu Giang và các trục đường giao thông liên thôn. Nằm trong vùng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đẹp với nhiều núi non hang động hoành tráng và gần Nhà máy Thuỷ điện Rào Quán đang xây dựng. Nếu được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ tốt thì chắc chắn Hướng Sơn sẽ là nơi dừng chân của du khách tham quan danh lam thắng cảnh đầy huyền bí luôn làm nao lòng người.
Với sự nỗ lực trong việc phục hồi rừng trong nhiều năm qua chính quyền và nhân dân Hướng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu trong việc trồng, quản lý bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên; thực hiện nhiều chính sách cải tạo, bảo vệ môi trường, hạn chế việc khai thác gỗ củi và lâm sản ngoài gỗ một cách bừa bãi; đồng thời ý thức của người dân đã được nâng cao về vệ sinh nơi ăn ở, vệ sinh chuồng trại; dần dần hạn chế và xoá bỏ các tập tục lạc hậu mê tín, dị đoan.
3.2.1.5. Nhận xét chung. A. Thuận lợi:
Từ việc nghiên cứu phân tích đặc điểm về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và cảnh quan môi trường có thể đánh giá rút ra một số nhận xét như sau:
Tuy là xã miền núi của tỉnh Quảng Trị nhưng Hướng Sơn có diện tích rừng tự nhiên và đất rừng tương đối lớn lại có vốn rừng quý hiếm và đa dạng sinh học cần được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ mà đặc biệt là rừng phòng hộ vùng đầu nguồn Nhà máy Thuỷ điện Rào Quán.
Khí hậu không quá khắc nghiệt mà tương đối phù hợp cho sự phát triển và gây trồng các loài cây lâm nông nghiệp. Cần tận dụng ưu thế này để bố trí đa dạng hoá loại cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Có diện tích đất rừng và đất trồng rừng khá phì nhiêu, độ dày tầng đất trên 60 cm, giàu các hàm lượng N. P. K và một số vi lượng khác nên rất thuận lợi cho việc trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và phát triển nông nghiệp nông thôn.
B. Khó khăn:
Do xã không có hồ thuỷ lợi, lượng mưa phân bố không đều trong năm, lượng nước tưới tiêu phụ thuộc vào lưu lượng nước đầu nguồn Nhà máy Thuỷ điện Rào Quán và thượng nguồn sông Hiếu Giang do vậy, một số năm vẫn xảy ra tình trạng hạn hán, lũ lụt bất thường.
Trình độ dân trí thấp, thiếu các thông tin về kinh tế, khoa học-kỹ thuật, thị trường giá cả...
Cán bộ và nhân dân trong xã chưa có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh mà đặc biệt trong lĩnh vực Lâm - Nông nghiệp.
Tóm lại: Mặc dầu có một số lợi thế về điều kiện tự nhiên, rừng và đất rừng không phải chịu nhiều yếu tố bất lợi của thiên nhiên; Tuy nhiên để phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới cần có nhiều chính sách mới phù hợp đặc biệt là các chính sách hưởng lợi từ rừng và đất rừng, nông nghiệp và nông thôn.