Kết quả và phân tích kết quả
3.3.1. Kết quả điều tra tình hình sản xuất lâm nông nghiệp.
3.3.1.1. Tình hình sản xuất lâm nghiệp.
Tổng diện tích đất lâm nghiệp là 5.828,6 ha chiếm 54,134% diện tích đất tự nhiên toàn xã. Trong đó diện tích đất có rừng tự nhiên phòng hộ 5.608,6 ha chiếm 96,23% diện tích đất có rừng, diện tích đất có rừng trồng phòng hộ 220,0 ha chiếm 3,77%.
A. Tình hình trồng rừng và chăm sóc rừng:
Toàn bộ 220,0 ha diện tích đất có rừng trồng phòng hộ được trồng vào năm 2002, và 2003 bằng nguồn vốn thuộc chương trình trồng mới năm triệu ha rừng (661) với loại cây trồng Keo lá tràm (Acacia auriculiformis) đến nay đã được > 4 năm. Nhưng do việc đầu tư vốn cho việc trồng và chăm sóc rừng, cũng như việc tư vấn kỹ thuật chưa được thoả đáng. Mặt khác do trình độ dân trí thấp, sự thiếu hiểu biết về kỹ thuật lâm nghiệp của nhân dân dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao, sinh phát triển của cây rừng chưa được như mong muốn.
B. Tình hình quản lý bảo vệ rừng:
Công tác quản lý bảo vệ rừng đã được chú trọng. Đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban nhân dân xã với kiểm lâm địa bàn, tổ bảo vệ rừng nên diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng đã được bảo vệ, công tác phòng chống chữa cháy rừng đã tốt hơn. Uỷ Ban nhân dân xã cùng với kiểm lâm tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; đồng thời có các giải pháp hạn chế lâm tặc khai thác lâm sản và nạn phá rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên, do kinh phí cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng còn hạn hẹp nên vẫn còn hiện tượng nhân dân kết hợp với lâm tặc khai thác gỗ và lâm sản, săn bắt động vật rừng; tệ nạn đốt rừng, đất chưa sử dụng để tìm phế liệu của nhân dân trong và ngoài địa bàn đã làm cho vốn rừng cũng như sự đa dạng của rừng có sự suy giảm.
C. Tình hình khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm:
Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và diện tích rừng trồng ở Hướng Sơn đều vì mục đích phòng hộ vùng đầu nguồn. Mà đặc biệt là phòng hộ vùng đầu nguồn Nhà máy Thuỷ điện Rào Quán. Do vậy, việc khai thác rừng phòng hộ ở đây không còn là hiện tượng phổ biến mà được đặt trong tình trạng rừng cấm khai thác cần quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.
Việc chế biến lâm sản ở địa phương còn mang nặng tính thủ công, tự cung tự cấp chưa phải là sản phẩm hàng hoá buôn bán trao đổi thương mại. Diện tích đất có rừng trồng sản xuất từ trước đến nay chưa được tổ chức, triển khai thực hiện nên việc khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mới chỉ là bước khởi đầu.
Việc tiêu thụ sản phẩm gỗ lóng rừng trồng khá thuận lợi và được giá, bởi trên địa bàn Quảng Trị có 01 nhà máy MDF và 04 nhà máy dăm gỗ tại cảng Chân Mây, cảng Vũng áng, cảng Tiên Sa. Nên toàn bộ khối lượng gỗ lóng rừng trồng không qua chế biến nhưng vẫn tiêu thụ được trên thị trường mà không bị ép giá.
3.3.1.2. Tình hình sản xuất nông nghiệp. A. Trồng trọt:
Nông nghiệp là ngành sản xuất chính của xã, trong đó trồng trọt chiếm vai trò chủ đạo. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 374,6 ha trong đó diện tích trồng lúa 201,0 ha, đất trồng cây hàng năm khác 85,5 ha. Năng suất lúa nước 1.500-1.650 kg/ha/năm, năng suất lúa cạn là 700 - 850kg/ha/năm. Theo số liệu thống kê năm 2006 sản lượng lương thực của xã đạt 374.250 tấn. Trong đó sản lượng thóc đạt 288.000 tấn, sản lượng màu quy thóc 86.250 tấn. Diện tích trồng lúa nước và lúa cạn hoàn toàn được gieo trồng bằng các giống lúa địa phương dài ngày (155-180 ngày) năng suất thấp, an ninh lương thực chưa đảm bảo, tỷ lệ đói nghèo còn cao, tình trạng
du canh du cư còn tiếp diễn, môi trường sinh thái tiếp tục bị tàn phá. Ngoài diện tích trồng lúa nhân dân trong xã còn phát triển các loại cây trồng chủ yếu như: Ngô, Sắn, Chuối, Rau, Đậu các loại trên diện tích 115,4 ha, nhưng năng suất nhận được từ diện tích gieo trồng này là quá thấp.
B. Chăn nuôi:
Về chăn nuôi trong những năm qua cũng được chú trọng và phát triển: Trâu có 342 con, Bò 210 con, Lợn 765 con, Gia cầm 6.125 con. Mức thu nhập đạt được từ chăn nuôi là 12% tổng thu nhập ngành nông nghiệp (trích báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp 2006 xã Hướng Sơn).
3.3.1.3. Ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ là ngành nghề hết sức mới lạ đối với nhân dân trong vùng nói chung, nhân dân Hướng Sơn nói riêng nên Đảng bộ và nhân dân Hướng Sơn đang từng bước tìm hướng đi mới trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho giai đoạn 2008 - 2017.