- Khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ có liên quan đến việc sử dụng và làm tăng hiệu quả sử dụng đất.
3.6. Quy hoạch sử dụng đất Thôn:
Phương án quy hoạch sử dụng đất của xã được xác định là bộ khung định hướng cho việc xây dựng phương án QHSDĐ cấp thôn (bản). Phương án QHSDĐ của các thôn trong xã sẽ được tổng hợp thống nhất là cơ sở để xây dựng hoàn thiện bản phương án QHSDĐ tối ưu cho toàn xã. Phương án quy hoạch sử dụng đất cấp thôn (bản) được thực hiện theo phương pháp có sự tham gia của người dân. Đồng thời bản phương án QHSDĐ cho các thôn (bản) phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản là phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nhu cầu của nhân dân; với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự phát triển của kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Bản phương án QHSDĐ được chọn lựa phải là bản phương án tối ưu, dựa trên quan điểm hệ thống và bền vững; mà trong đó cả ba nhân tố về kinh tế - xã hội, môi trường đều đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó cần phải phát huy tối đa vai trò và sự tham gia của người dân.
Việc giao đất, giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình để trồng, quản lý và bảo vệ đã thực hiện nhiều năm, không phải là chuyện mới. Nhưng việc giao đất, giao rừng cho thôn (bản) của đồng bào các dân tộc thiểu số là chuyện mới. Nói mới là nói về cách làm của cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không mới đối với đồng bào miền núi. Tuy nhiên, về phương pháp tư duy và qua tình hình thực tế ở miền núi có thể cho thấy: Đây là việc đúng, rất đúng. Khẳng định việc giao đất, giao rừng cho thôn, làng (bản) là một việc làm rất đúng, vì những vấn đề sau:
- Rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số có vị trí đặc biệt: Rừng là không gian sinh tồn và phát triển. Trước hết rừng cho cái ăn, con người ăn cái của rừng như bú bầu sữa mẹ. Rừng còn cho con người cái nhà để ở, quần áo để mặc, giấy bút để học hành, công tác tiến bộ. Con người đã lấy gỗ, củi của rừng, nước và không khí để sinh sống và tồn tại.
- Cơ cấu kinh tế ở miền núi Quảng Trị trước nhất và chính yếu là lâm nghiệp. Tư liệu sản xuất chính là rừng và đất rừng. Giao rừng cho thôn, làng (bản) là cho tư
liệu sản xuất, tạo điều kiện kinh tế để nhân dân sống bằng nghề rừng, với nghề rừng. Không phải sống bằng khai thác rừng mà bằng phát triển rừng, bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ sản phẩm tận dụng của rừng. Cuộc sống của đồng bào phải được khá giả lên khi rừng nhiều thêm và trữ lượng rừng giàu hơn.
- Hàng ngàn năm nay, đồng bào các dân tộc ít người đã giữ rừng. Nếu không giữ rừng thì làm sao mà tồn tại được? Chính cuộc sống đã ngấm sâu điều đó.
- Rừng cho con người lửa để ấm, rượu để say, làm phong phú tâm hồn từ tiếng chim, tiếng suối, bản nhạc rừng cho con người tình yêu thương và nỗi nhớ mong... con người về với rừng như cá về với nước, như con chim về với bầu trời tự do, như con người đi xa được về nơi chôn nhau cắt rốn, say đắm với mặn nồng.
- Rừng Hướng Hoá, Quảng Trị hầu như là đầu nguồn, chống lũ lụt, bảo vệ cho đồng bằng, giữ mạch nước ngầm và cung cấp nước, điện cho công nghiệp hoá, không riêng gì cho Quảng Trị mà còn cho cho Quảng Bình và nhiều tỉnh khác vùng Duyên hải miền Trung.
- Thôn, làng vừa là thực thể vật chất vừa là thực thể tinh thần. Thôn, làng là cộng đồng cư trú, sản xuất, tự vệ, sở hữu văn hoá và tâm linh. Nếu thôn, làng không có đất và rừng thì thôn, làng cũng tan rã vì không có nền tảng vật chất làm cơ sở sinh tồn.
Vì những điều trên đây, việc quy hoạch sử dụng đất cho thôn, làng (bản) là rất đúng, có cơ sở khoa học. Giao để quản lý, bảo vệ, trồng thêm và hưởng lợi. Cơ chế hưởng lợi là cơ chế bắt buộc không thể khác.
Với thời gian và kinh phí không cho phép do vậy, đề tài chỉ chọn một thôn điển hình để tiến hành xây dựng phương án QHSDĐ cho thôn với mục đích là mô hình mẫu để nhân rộng cho các thôn khác.