Các nội dung thực nghiệm được tiến hành bằng phương pháp đo các đại lượng không điện bằng điện với việc dùng thiết bị DMC Plus và phần mềm DMC Laplus để xác định gia tốc dao động thẳng đứng của xe chữa cháy rừng đa năng khi làm việc trên mặt đất rừng.
Phân tích kết quả thực nghiệm để so sánh với kết quả nghiên cứu lý thuyết, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao độ êm dịu chuyển động của xe chữa cháy rừng đa năng.
CHƯƠNG 3
DAO ĐỘNG CỦA XE CHỮA CHÁY RỪNG ĐA NĂNG KHI LÀM VIỆC TRÊN MẶT ĐẤT RỪNG
Xe chữa cháy rừng đa năng (xe CCR) được thiết kế (hình 3.1a) có các chức năng chình là tạo băng cản lửa, khoanh vùng đám cháy và dập tắt các đám cháy rừng.
Trong đề tài “ Nghiên cứu dao động của xe chữa cháy rừng đa năng khi làm việc trên mặt đất rừng” [21], tác giả Nguyễn Văn Thế đã khẳng định trong giai đoạn dập lửa các đám cháy rừng thì dao động của xe rất nhỏ, không ảnh hưởng đến khả năng làm việc của nó. Vì thế đề tài này chỉ nghiên cứu dao động của xe CCR trong quá trình tạo băng cản lửa.
Mặt khác theo kết luận của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cẩn [2] thì trong các dao động của ô tô, máy kéo chỉ có dao động theo phương thẳng đứng (OZ) là có ảnh hưởng chính đến con người, dao động theo phương ngang (OY) và phương dọc (OX) ảnh hưởng không đáng kể, nên có thể bỏ qua. Do đó trong đề tài này chúng tôi cũng chỉ xét dao động thẳng đứng của xe CCR.
Khi tạo băng cản lửa xe di chuyển trên mặt đất rừng để khoanh vùng đám cháy. Trong lúc di chuyển các cưa đĩa đặt phía trước xe làm việc cắt các cây bụi, các đĩa dao phay ở phía sau có nhiệm vụ làm dập nát cây bụi đã cắt và cỏ rác, trộn lẫn đất tạo ra băng cản lửa. Do tác dụng của độ mấp mô mặt đất rừng và các xung lực kích động của cây bụi, cỏ rác đến hệ thống cắt và hệ thống làm sạch cỏ rác nên xe CCR sẽ có dao động phức tạp. Để nghiên cứu dao động của xe CCR trong trạng thái này cần nghiên cứu xác định các đặc trưng của các nguồn kích động nói trên.