Để đảm bảo chất lượng của ván lạng dán mặt ván nhân tạo và tính ổn định hình dạng của sản phẩm, khi xếp phôi phải tuân thủ theo nguyên tắc đối xứng, tức là ván lạng được dán cả hai phía lớp trung tâm đối xứng mặt cắt của ván nền phải cùng một loại gỗ, cùng chiều dày, cùng độ ẩm và cùng chiều thớ gỗ. Để tiết kiệm gỗ quý hiếm, loại gỗ có thể thay đổi nhưng chiều dày, độ ẩm và chiều thớ của ván lạng phải đối xứng cân bằng.
Ván nhân tạo thường dùng phương pháp dán một lớp, tức là mỗi mặt của ván dán một tấm ván lạng. Nếu bề mặt ván nền không nhẵn, hoặc ván lạng quá mỏng, hoặc bề mặt dán lớn, thường phải dùng phương pháp dán 2 lớp. Tức là mỗi mặt của ván dán 1 tấm ván bóc và một tấm ván lạng. Chiều dày của ván bóc thường từ 0,6-1,5 mm.
Khi xếp phôi, chiều thớ của ván lạng phải vuông góc với chiều thớ gỗ của ván nền. Khi dán 2 lớp chiều thớ của ván bóc dán trên bề mặt ván nền phải vuông góc với chiều thớ của ván nền, chiều của thớ ván lạng trên ván bóc về nguyên tắc phải vuông góc với chiều thớ của ván bóc. Nếu ván lạng quá mỏng thì chiều thớ của nó cũng có thể song song với chiều thớ của ván bóc.
Lượng keo dùng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng mặt dán. Lượng keo dùng có quan hệ với loại keo và ván nền. Nồng độ và độ nhớt của keo càng thấp thì càng tốn keo. Ván nền càng chặt chẽ thì khả năng hút keo càng kém, lượng keo dùng càng ít. Lượng keo dùng nên lấy điều kiện hình thành một lớp keo nhất định làm tiêu chuẩn. Khi chiều dày lớp keo không đủ, có thể xuất hiện những chỗ không dính. Nhưng nếu lớp keo quá dày, độ bền dán dính sẽ giảm, và có nguy cơ thấm keo lớp mặt. Chiều dày lớp keo là 0,08 - 0,15mm là thích hợp nhất. Khi dùng ván dán làm ván nền, thì lượng keo tráng trên mỗi mặt từ 110 - 120g/m2 (chiều dày ván lạng nhỏ hơn 0,4mm) hoặc 145 - 170g/m2 (chiều dày ván lạng trên 0.4mm). Khi dùng ván dăm làm ván nền, lượng keo tráng thích hợp là 150 - 160g/m2 [6].
Sau khi tráng keo ván nền (dán mặt một lớp) hoặc ván bóc (dán mặt hai lớp), nên để một thời gian, trong công nghệ gọi là thời gian ổn định. Thời gian ổn định là khoảng thời gian từ sau khi ván nền được tráng keo đến trước khi ép nhiệt. Thời gian ổn định còn được chia ra thời gian ổn định kín và ổn định mở. ổn định mở là là khoảng thời gian từ sau khi ván nền hoặc ván bóc tráng keo đến trước khi xếp phôi. Mục đích chủ yếu là loại trừ một phần nước, phòng tránh thấm keo lớp mặt. ổn định kín là khoảng thời gian từ sau khi xếp phôi đến trước khi ép nhiệt. Mục đích chủ yếu là nhằm cho dung dịch keo trải đều trên bề mặt tấm ván, nhằm nâng cao độ bền dán dính.
Để đảm bảo chất lượng dán dính, ván nền và chất phủ mặt nên để ổn định một thời gian trước khi tráng keo, nhằm làm cho độ ẩm và nhiệt độ phù hợp điều kiện tráng keo.